Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Cây tía tô góp phần “xóa nghèo” tại vùng cao Tả Phìn

PV - 08:09, 22/12/2023

Từ ngày có cây tía tô, cuộc sống của đồng bào DTTS tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã có nhiều đổi thay tích cực. Bà con có việc làm, thu nhập ổn định, từ đó đẩy lùi cái đói, cái nghèo bao năm qua.

Từ ngày có cây tía tô, đời sống của bà con vùng cao xã Tả Phìn đã khấm khá hơn trước rất nhiều.
Từ ngày có cây tía tô, đời sống của bà con vùng cao xã Tả Phìn đã khấm khá hơn trước rất nhiều.

Tả Phìn vốn được biết đến là cái nôi của thảo dược miền núi phía Bắc với những bài thuốc quý mang đậm tri thức bản địa của các tộc người địa phương, đặc biệt là người Dao. Sở hữu đa dạng các loại thảo mộc quý hiếm nơi núi rừng bạt ngàn, người Dao ở Tả Phìn đã tận dụng những món quà thiên nhiên quý giá này cho việc chăm sóc sức khỏe.

Thời gian gần đây, cây tía tô đã được trồng nhiều tại Tả Phìn. Đặc biệt, những sản phẩm chế biến từ tía tô đã được thị trường trong nước đón nhận.

Người đầu tiên tìm ra cây tía tô bản địa và phát triển vùng trồng là chị Trần Ánh Xuân, Giám đốc Hợp tác xã Sa Pa Secrets, xã Tả Phìn. Trong một lần tình cờ, chị Xuân phát hiện tại Tả Phìn có giống tía tô đỏ bản địa rất quý, có màu sắc đậm hơn tía tô thông thường, hàm lượng tinh dầu vượt trội cao gấp 3 - 5 lần so với sản phẩm được trồng ở vùng thấp, đồng thời hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn.

Năm 2018, chị Xuân bắt đầu trồng tía tô với diện tích 3.000 m2 ở lưng chừng ngọn núi Sân Bay, thôn Sả Séng. Khi ấy, gia đình, người thân không ai ủng hộ, nhưng chị vẫn quyết tâm làm.

Để đảm bảo tính pháp lý cũng như liên kết với người dân, chị Xuân cùng 6 phụ nữ ở địa phương thành lập Hợp tác xã Sa Pa Secrets với mô hình sản xuất khép kín từ trồng, nghiên cứu đến sản xuất các sản phẩm từ tía tô đỏ. Sau 3 năm, chị Xuân đã xây dựng được vùng nguyên liệu rộng 3ha với 15 sản phẩm chính từ tía tô như trà túi lọc, cao, tinh dầu tía tô, sữa rửa mặt, dầu gội, sữa tắm... Nhận thấy hiệu quả từ trồng cây tía tô bản địa, các hộ dân dần yên tâm và tự trồng vùng nguyên liệu để cung cấp cho Hợp tác xã.

Năm 2019, dịch Covid-19 khiến nhu cầu về tía tô tăng đột biến. Các sản phẩm trà, cao, tinh dầu tía tô của HTX làm ra tới đâu bán hết tới đó. Đây chính là bàn đạp để HTX nâng diện tích trồng tía tô từ 3.000m2 lên tới 3ha năm 2021, 10ha năm 2022 và 30ha trong năm 2023.

Hiện tại, với 30ha, Hợp tác xã đang khai thác 3 loại tía tô chủ lực thuần bản địa Sa Pa là tía tô trên tím dưới tím, tía tô trên xanh dưới tím và tía tô trắng. Mỗi loại tía tô sẽ có một dòng sản phẩm chuyên biệt được cung ứng ra thị trường.

Quy trình sản xuất tỉ mỉ, cẩn thận, vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGap an toàn và chất lượng tốt. Các sản phẩm của HTX được khách hàng ở các tỉnh, thành trên cả nước đón nhận, thị trường tiêu thụ ổn định. Tỷ lệ khách hàng quay lại sử dụng sản phẩm lên đến trên 80%. Doanh thu của HTX trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt trên 3 tỷ đồng, bằng doanh thu của cả năm 2022.

Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, chị Xuân đã chủ động tìm hiểu về công thức tạo ra sản phẩm từ các loại dược liệu, trong đó có tía tô rồi test thử nhiều lần. Đồng thời, quảng bá sản phẩm, trên các kênh mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok, các hội chợ nông sản…

Người dân thu hoạch tía tô tại xã Tả Phìn.
Người dân thu hoạch tía tô tại xã Tả Phìn.

Sau 5 năm thành lập, hiện tại HTX có gần 100 thành viên. HTX tập trung sản xuất và phát triển dòng sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ từ giống tía tô bản địa. Đó là các bài thuốc quý dược liệu của người Dao Đỏ, mỹ phẩm chăm sóc da và dầu gội dưỡng tóc…

HTX của chị Xuân còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, cùng 20 lao động thời vụ; tạo công ăn việc làm ổn định và tăng thu nhập cho 48 hộ dân ở thôn Sả Séng và thôn Lủ Khấu thông qua việc trồng cây tía tô. HTX cung cấp giống cây dược liệu, hướng dẫn trồng, chăm sóc và thu mua sản phẩm của các hộ dân, nhờ vậy đã giúp 12 hộ vươn lên thoát nghèo.

Gia đình chị Lý Mán Mẩy, xã Tả Phìn là một trong những hộ người Dao mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng để phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa. Trước đây, thu nhập của gia đình chị Mẩy khá bấp bênh, chủ yếu trông chờ vào trồng ngô trên nương rẫy. Từ đầu năm nay, chị Mẩy tham gia vào HTX Sa Pa Secrets. Chị được HTX cung cấp cây giống tía tô đỏ và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Với giá bán 12 - 15 nghìn đồng/kg, mỗi ha có thể cho thu hoạch từ 200 - 240 triệu đồng. Nhờ trồng tía tô, gia đình chị Mẩy đã có của ăn của để, không còn lo lắng cuộc sống thiếu đói.

Từ ngày địa phương có HTX trồng tía tô, bà Chảo Lở Mảy, xã Tả Phìn làm việc trong HTX mỗi tháng được trả lương từ 5 - 6 triệu đồng. Nhờ đó mà gia đình bà có nguồn thu nhập ổn định.

Từ hiệu quả kinh tế từ cây tía tô mang lại, thời gian tới, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, chính quyền địa phương sẽ tập trung vận động, khuyến khích người dân mở rộng diện tích vùng trồng, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tía tô, hướng tới tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho bà con DTTS.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.