Diễn văn ôn lại lịch sử 120 năm hình thành và phát triển Sa Pa do Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nêu rõ: Sa Pa xưa là cao nguyên Lồ Suối Tủng, thuộc trại Ngòi Bo, sau là Tổng Hướng Vinh, Châu Thủy Vĩ, tỉnh Hưng Hóa. Cách đây 120 năm, vào mùa Đông năm 1903, đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ đã khám phá ra cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Đoàn thám hiểm đã đặt tên cho cao nguyên và ghi danh vào bản đồ là “Cao trạm Sa Pa”. Sự kiện này trở thành dấu mốc lịch sử phát hiện ra Sa Pa.
Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, mảnh đất có 5 mùa (mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu, mùa Đông và mùa “con trai hát gọi con gái”) trong năm xinh đẹp, mộng mơ, Sa Pa nay đã trở thành Khu Du lịch Quốc gia với sự phát triển vượt bậc. Từ một thị trấn nhỏ vùng cao đã được khẳng định, định vị trên bản đồ du lịch Việt Nam và Thế giới; luôn nằm trong Top 10 điểm đến được yêu thích nhất trong nước và Top 28 điểm đến hấp dẫn của Thế giới; được bình chọn Top 10 điểm đến xanh nhất Trái đất; 1 trong 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất Thế giới; 1 trong 10 con đường mòn tuyệt vời nhất Thế giới; ruộng bậc thang Sa Pa là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và Thế giới; là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á…
Phát biểu ý kiến tại buổi Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chúc mừng sự đổi thay mạnh mẽ của Sa Pa sau 120 năm hình thành và phát triển. Phó Thủ tướng nêu rõ: Hành trình 120 năm du lịch Sa Pa là chặng đường lao động sáng tạo, đầy gian khó, hi sinh của nhiều thế hệ những người yêu Sa Pa, vì Sa Pa và đặc biệt là công sức của chính đồng bào các dân tộc nơi đây. Từ một vùng núi non hiểm trở, hoang sơ, đến nay Sa Pa đã trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế, với hệ thống các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, điểm giao lưu văn hóa khu vực Trung du miền núi phía Bắc.
Để Sa Pa tiếp tục phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Phó Thủ tường Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Lào Cai, thị xã Sa Pa cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới một Sa Pa phát triển bền vững, hài hòa; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Thực hiện nguyên tắc phát triển đi đôi với bảo tồn; coi giá trị, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, bản sắc kiến trúc là cốt lõi, cộng đồng các dân tộc Sa Pa vừa là chủ thể, mục tiêu, động lực, là người thụ hưởng thành quả từ sự phát triển này.
Cùng với đó, địa phương cần chú trọng xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững. Mỗi người dân Sa Pa là một sứ giả về văn hóa; mỗi du khách khi đến với Sa Pa sẽ đều trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan bởi đây chính là nguồn sống của hôm nay và mai sau. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm việc chuyển đổi số, hướng tới mô hình quản trị hiệu quả, ứng dụng công nghệ để truyền thông, quảng bá mạnh mẽ du lịch Sa Pa ra thế giới…
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, giữa các loại hình, sản phẩm du lịch, tạo thành chuỗi điểm đến trong đó Khu du lịch quốc gia Sa Pa phải là động lực. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là trang bị kỹ năng, hình thành tư duy làm du lịch chuyên nghiệp cho đồng bào các dân tộc Sa Pa, bởi chính họ làm nên sức hút và sự đặc sắc của du lịch Sa Pa.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ, xây dựng cơ chế để thu hút nguồn lực về vốn, nhân lực nhằm đầu tư, phát triển chuỗi giá trị du lịch Sa Pa một cách bền vững.