Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cây lanh trong đời sống của người Mông

Sùng Mai - Nga Anh - 15:40, 27/08/2021

Cây lanh, vải lanh được xem như một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông. Đặc biệt, vải lanh có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông. Ngoài ra, công việc trồng lanh, dệt vải còn thể hiện đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó và sự khéo léo của người phụ nữ Mông.

Nhìn thấy cây lanh trên nương người ta sẽ biết ngay gia đình có người phụ nữ chăm chỉ, khéo tay, cần cù, chịu khó
Nhìn thấy gia đình nào trồng cây lanh trên nương người ta sẽ biết ngay gia đình đó có người phụ nữ chăm chỉ, khéo tay, cần cù, chịu khó

Trong cuộc sống của đồng bào Mông từ lâu đời, người già trong dòng họ, trong gia đình luôn nhắc nhở con cháu dành một khoảng đất trống màu mỡ, bằng phẳng nhất để trồng cây lanh, ý thức ấy được truyền từ đời này sang đời khác. Nhìn thấy gia đình nào trồng  cây lanh trên nương người ta sẽ biết ngay gia đình đó có người phụ nữ chăm chỉ, khéo tay, cần cù, chịu khó và người con gái sinh ra trong gia đình đó sẽ được rất nhiều người để ý. Các em bé ngay từ khi 5 đến 6 tuổi đã được bà hoặc mẹ dạy cách tuốt lanh, se lanh, dệt vải.

Cây lanh mang về được phơi nắng cho khô
Cây lanh mang về được phơi nắng cho khô

Viêc trồng cây lanh không vất vả, nhưng để dệt thành tấm vải thì tốn rất nhiều thời gian, công sức. Cứ hai ống lanh tương đương với 6m vải đủ để may một cái váy hoặc áo, quần đàn ông. Cứ đến tháng Ba âm lịch, khi trồng ngô cũng là lúc gieo trồng cây lanh. Chỉ cần lấy hạt lanh trộn thật đều cùng phân chuồng đã ủ  hoặc tro bếp, trộn xong rải mỏng khắp xuống đất, lấy cuốc xới mỏng đất trộn lại là xong, gieo dày thưa tùy thích.

Khi thu hoạch cây ngô thì cây lanh cũng đủ già để chặt mang về. Người Mông rất nhẹ nhàng, nâng niu cây lanh, bởi thân cây bé nhỏ, giòn, dễ gẫy, nếu gẫy sợi lanh sẽ không đẹp nữa. Khi mang cây về, những ngày nắng họ mang ra phơi cho thân cây khô, buổi tối hoặc những ngày mưa đem cất trên gác bếp.

Người phụ nữ dân tộc Mông luôn mang theo mình một nắm sợi lanh để se. Việc se lanh diễn ra bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào
Người phụ nữ dân tộc Mông luôn mang theo mình một nắm sợi lanh để se. Việc se lanh diễn ra bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào

Khi cây cây lanh bắt đầu héo là lúc tước được sợi. Việc tước sợi cần đôi tay rất khéo léo, vì nếu không sau này sợi lanh không đều, khó se, không chắc. Sợi lanh tước ra được bó từng nắm treo dài trước cửa, rồi đem cuộn tròn mang cho vào cối để giã. Giã bao giờ sợi lanh mềm, uốn cong thì lấy ra treo lên, như vậy là se được.

Dùng tảng đá lăn qua lại cho sợi lanh mềm ra
Dùng tảng đá lăn qua lại cho sợi lanh mềm ra

Trong gia đình, phụ nữ dân tộc Mông rất ý thức, kể cả em nhỏ, mỗi người tự lượng sức, ước lượng thời gian thì tự tách một nắm mang bên mình để se. Việc se lanh diễn ra bất kỳ lúc nào, như se trên đường lên nương, lên rừng, lúc nấu cơm, lúc đi chợ, buổi tối… Khi se xong, họ dùng con quay nối cuốn các sợi lại thật dài, rồi tháo ra khỏi con quay, đánh dấu đầu sợi lại và mang đi luộc cùng tro bếp củi. Mỗi lần luộc xong họ ngâm lại rồi 1 ngày mang đi giặt, cứ như vậy đến lúc nào sợi trắng mới thôi.

Khi sợi lanh đã trắng thì giặt cho thật sạch sẽ và phơi sợi lanh lên đến khi khô thì cho vào con quay để dệt vải. Công việc này thường thì người già nhất trong gia đình đảm nhận, vì họ có nhiều thời gian ở nhà hơn và có kinh nghiệm xử lý các sợi xấu, đứt hoặc mỏng…Các em nhỏ cũng được người già cho đứng xem để học cách dệt và thỉnh thoảng người già cho các em ngồi vào khung cởi hướng dẫn các em cách đưa sợi, cách lấy sợi. Các công đoạn có thể kéo dài hàng năm, vì họ không có nhiều thời gian dành cho mọi công đoạn, chỉ tranh thủ lúc rảnh rỗi mới làm.

Công đoạn dệt vải thường do những người cao tuổi trong gia đình đảm nhiệm
Công đoạn dệt vải thường do những người cao tuổi trong gia đình đảm nhiệm

Sau khi đã dệt thành tấm vải, họ tiếp tục lăn cho vải mềm mịn, bóng ra. Việc lăn vải rất kỳ công. Họ dùng một tảng đá hoặc thân gỗ to mịn, cùng với tấm ván to bằng mảnh vải, dài khoảng 1m, đặt  miếng vải giữa tấm ván và thân gỗ rồi đứng lên tấm ván lăn qua lăn lại khi nào thấy được thì xê dịch dần tấm vải cho đến hết. Khi miếng vải đã mềm, mịn, bóng, họ mang đi ngâm với tro bếp củi. Ngâm khoảng 1 tuần thì lấy ra giặt, phơi khô, cứ như vậy khi nào miếng vải trắng ngà lên thì mới thôi.

Vải lanh là một phần không thể thiếu trong đời sống của dân tộc Mông. Bởi khi qua đời, người Mông phải được mặc áo váy, quần được làm bằng vải lanh. Người Mông quan niệm nếu không có quần áo váy bằng vải lanh, thì người chết sẽ không tìm được đường về với tổ tiên. Tổ tiên cũng sẽ không tìm được người chết nếu mặc vải khác, như vậy người chết sẽ không được đầu thai. 

Vải dệt xong được ngâm, phơi nhiều lần cho đến khi được màu ưng ý
Vải dệt xong được ngâm, phơi nhiều lần cho đến khi được màu ưng ý

Trong tình yêu nam nữ, chàng trai Mông khi đi hỏi vợ họ rất để ý xem gia đình người con gái có se lanh, dệt vải không. Theo họ, những người con gái biết se lanh, dệt vải là người con gái khéo tay, chăm chỉ, chịu khó. Các chàng trai khi thích các cô gái rất hay dùng lời ca tiếng hát để tỏ tình, cách tỏ tình rất đời thựcnhưng hết sức tinh tế, như: “Năm nay mẹ anh bảo Đông đến sớm. Hỡi em ơi, mẹ anh đau mỏi khắp người, khung cửi đã lâu không có người ngồi dệt vải, bụi cả con quay. Em có thương anh, Em đừng sợ bụi làm vướng váy em, đã có anh phủi bụi để em an tâm ngồi dệt vải…”...

Vải lanh còn dùng làm quà tặng mừng tuổi người già hoặc trong lễ cúng 60 tuổi. Người già họ đặc biệt quý món quà này, họ sẽ cất giữ thật kỹ tận đáy hòm, chỉ khi nào thật sự cần thiết mới đem ra dùng.

Vẽ sáp ong để in họa tiết hoa văn cho vải
Vẽ sáp ong để in họa tiết hoa văn cho vải

Hiện nay trên các vùng đồng bào Mông sinh sống ít gia đình trồng cây lanh, dệt vải. Bởi sự phát triển nhanh của kinh tế thị trường, công nghệ, cũng như sự giao thoa văn hóa  giữa các dân tộc, dẫn đến việc thay đổi trang phục, thay đổi từ chất liệu vải, màu sắc cho đến họa tiết trang trí. Nhưng dù trang phục có thay đổi thế nào, thì chắc chắn cây lanh, vải lanh vẫn không không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Mông. Bỡi lẽ, vải lanh không chỉ là một sản phẩm thông thường để phục vụ nhu cầu may mặc mà nó còn gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào. 

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.