Với người Mông, tấm vải lanh là một vật thể thiêng liêng, mang đậm giá trị tinh thần. Vải lanh không chỉ là nguyên liệu để may trang phục, khăn quàng, mũ, túi đeo, ví, ba lô, gối, đệm, khăn trải bàn… mà mỗi tấm vải còn là thước đo sự khéo léo, cần cù và sáng tạo của người phụ nữ Mông.
Bởi thế mà hình ảnh cô gái Mông chăm chỉ tước lanh, dệt vải đã đi vào câu dân ca Mông: “Lớn lên em theo mẹ tập thêu/Theo chị nhuộm chàm in hoa trên váy mới/Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Gái xinh chưa biết cầm kim là hư…”.
Sản phẩm vải lanh của đồng bào Mông là thành quả của một quy trình lao động rất công phu với 41 công đoạn từ trồng cây lanh đến dệt thành một tấm vải lanh hoàn thiện, tất cả đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công truyền thống.
Năm 2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của phụ nữ Mông trên Cao nguyên đá Hà Giang là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Dưới đây là một số hình ảnh trong quy trình dệt vải lanh của đồng bào Mông.
NGỌC ÁNH - THANH HÀ