Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cau tăng giá kỷ lục, đồng bào ở Quảng Ngãi thêm thu nhập

Minh Ngọc – Phương Nhi - 09:56, 17/10/2024

Giá cau tăng cao chưa từng có, giúp tăng cao thu nhập cho người trồng cau ở Quảng Ngãi. Tuy nhiên chính quyền các cấp cũng khuyến cáo người dân không ồ ạt trồng cau, phá vỡ định hướng cây trồng.

Nhiều vựa cau ở Quảng Ngãi được thương lái thu mua với giá 80.000 - 85.000 đồng/kg.
Cau quả được thương lái thu mua với giá 80.000 - 85.000 đồng/kg, giúp nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi có thu nhập cao

Giá cau tăng, đồng bào thêm thu nhập

Tỉnh Quảng Ngãi được mệnh danh “xứ ngàn cau”, với diện tích trồng lên đến hàng ngàn hécta, tập trung chủ yếu ở hai huyện Nghĩa Hành và Sơn Tây. Nhiều năm trước, giá cau ở Quảng Ngãi bấp bênh, có thời điểm xuống thấp còn 3.000 - 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hơn 3 tháng gần đây, giá cau tăng cao kỷ lục khoảng 80.000 - 85.000 đồng/kg, nhiều người trồng cau ở Quảng Ngãi trúng lớn.

Tại huyện miền núi Sơn Tây, địa phương có diện tích cau lớn nhất Quảng Ngãi với trên 1.000ha, trong nhiều ngày qua, không khí rộn ràng, tấp nập khi có hàng chục thương lái đi dạo khắp các bản làng, lùng sục trả giá thu mua cau. Với đặc thù huyện miền núi nghèo, hơn 92% dân số là đồng bào DTTS (chủ yếu là người Ca Dong - nhóm địa phương của dân tộc Xơ Đăng), việc cau được mùa, được giá khiến đồng bào DTTS ở Sơn Tây phấn khởi. Cùng với huyện miền núi Sơn Tây, thì huyện Nghĩa Hành cũng có gần 750ha trồng cau với sản lượng khoảng 9.000 tấn.

Sở hữu gần 2ha cau, gia đình anh Đinh Văn Dương (xã Sơn Dung) có khoản thu nhập đáng kể. Gia đình anh có hơn 2.000 gốc cau đang thu hoạch. “Với giá cau như hiện tại, mỗi tháng mình thu về gần 100 triệu đồng. Với mức thu nhập này, thực sự gia đình mình có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới”, anh Dương cho biết.

Quảng Ngãi hiện có gần 1.800 ha cau, mang lại thu nhập cho đồng bào Ca Dong.
Quảng Ngãi hiện có gần 1.800ha cau, mang lại thu nhập cho đồng bào Ca Dong

Tương tự, gia đình anh Đinh Văn Nhóc (xã Sơn Dung) trồng được khoảng 4ha cau, trong đó hơn một nửa diện tích đang thu hoạch. Bình quân mỗi ngày, anh thu hoạch khoảng 70 kg cau tươi. Với giá cau hiện tại khoảng 80.000 đồng/kg, anh Nhóc thu về mỗi tháng hơn 100 triệu đồng, sau khi đã trừ hết chi phí. Nhiều gia đình có thu nhập khấm khá, sắm được đầy đủ tiện nghi nhờ nguồn thu hoạch cau. Cuộc sống của nhiều gia đình đồng bào Ca Dong ở đây trở nên khá giả.

Theo kinh nghiệm của những người trồng cau thì cau sẽ cho thu hoạch sau khoảng 5 - 6 năm trồng, thời gian thu hoạch từ tháng 7 đến cuối năm, trung bình 20-25 ngày/lứa. Nếu so với trồng các loại cây ăn quả khác, cây cau vẫn được giá hơn rất nhiều, lại ít công chăm sóc. 

Theo chủ một vựa cau ở huyện Sơn Tây, giá cau tăng cao ở thời điểm từ đầu vụ đến giữa vụ như hiện nay, là chuyện chưa từng có. Năm 2021, người trồng cau cũng từng trúng lớn nhưng không bằng năm nay. Hiện tại, mỗi tạ cau có thể mua được một chỉ vàng. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào có thu nhập từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng từ bán cau trái.

Theo nhiều thương lái, việc cau liên tục tăng giá trong thời gian qua chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Ấn Độ. Khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này tăng cao, giá cau cũng sẽ tăng theo. Sau khi thu mua tại vườn, thương lái sẽ chở đến điểm tập kết, tách quả khỏi cuống và sấy khô. Thông thường, 7 - 8kg trái tươi sẽ cho một kg cau khô, sau đó họ xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác.

Nhiều thương lái đến tận vườn thu mua cau với giá cao.
Nhiều thương lái đến tận vườn thu mua cau với giá cao

Người dân nên cân đối cơ cấu cây trồng

Vì lợi nhuận cao, trong những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Nghĩa Hành phá bỏ các loại cây ăn quả, chuyển qua trồng cau. Thực tế trong những năm qua, rất nhiều lần cau rớt giá thê thảm, nhưng dù giá cả bấp bênh so với nhiều loại cây trồng khác ở Sơn Tây, cây cau vẫn đem lại hiệu quả kinh tế hơn. Từ năm 2018, huyện Sơn Tây đã đưa cây cau vào nhóm cây trồng chủ lực của huyện để góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng Dự án hình thành vùng chuyên canh cây cau. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành vùng chuyên canh cây cau tập trung khoảng 2.000ha trên địa bàn 9 xã, nhiều nhất là các xã Sơn Dung, Sơn Long, Sơn Mùa...

Để triển khai Dự án, chính quyền địa phương đã cấp cau giống và phân bón thích hợp tùy vào nhu cầu của các hộ gia đình. Đến nay, huyện miền núi này có khoảng 600 hộ trồng từ 1.000 cây cau trở lên. Từ năm 2019 đến nay, huyện miền núi Sơn Tây trồng mới khoảng 900ha cau. Mỗi năm, huyện trồng mới khoảng 166ha cau, thay thế cho diện tích cây trồng già cỗi, năng suất thấp. Biện pháp canh tác này giúp đồng bào Ca Dong giữ vườn cây trồng hộ gia đình, ổn định thu nhập và tăng năng suất vườn cau và vùng chuyên canh cho miền núi.

Sơ chế cau quả sau thu hoạch
Sơ chế cau quả sau thu hoạch

Cau ở Sơn Tây nổi tiếng vì được trồng theo phương pháp sạch, không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật, nên rất được các đối tác nước ngoài ưa chuộng. Công nghệ chế biến của các nước nhập khẩu cau từ Việt Nam cũng rất tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng từ quả cau.

Huyện Sơn Tây hiện có 16 cơ sở thu mua, chế biến cau với công suất khoảng 8.000 tấn/vụ. Nguồn nguyên liệu cau tươi đáp ứng khoảng 65% công suất, xuất khẩu đến nhiều nước như Trung Quốc, Ấn độ, Hàn Quốc…, tùy nhu cầu thị trường.

Cùng với công tác hỗ trợ người dân Ca Dong trồng mới, trồng thay thế diện tích cau để mở rộng vùng nguyên liệu xuất khẩu, ngành nông nghiệp tại Quảng Ngãi cũng đang xây dựng mã vùng trồng và thương hiệu sản phẩm, xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp, đầu tư vào lĩnh vực chế biến chuyên sâu sản phẩm từ cau.

Trước việc người dân đang tích cực trồng cau vì giá tăng, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo người dân không nên phá vỡ cơ cấu cây trồng để chạy theo cây cau. Ông Phạm Hồng Khuyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây nhận định, đây mới là năm đầu cau tăng giá nên chính quyền địa phương cần theo dõi sát để đưa ra khuyến cáo đối với người nông dân, không khuyến khích người dân tăng diện tích cau ồ ạt. 

Để giữ vùng chuyên canh cau và ổn định sản lượng, huyện Sơn Tây đã hỗ trợ đồng bào Ca Dong trồng mới, trồng thay thế diện tích cây lâu năm.
Để giữ vùng chuyên canh cau và ổn định sản lượng, huyện Sơn Tây đã hỗ trợ đồng bào Ca Dong trồng mới, trồng thay thế diện tích cây lâu năm

Hiện nay, thị trường tiêu thụ cau chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc nên giá cả bấp bênh, năm được năm mất. Để tạo nguồn thu nhập cho bà con trong những năm cau rớt giá, huyện Tây Sơn khuyến khích bà con đưa một số giống cây vào trồng dưới tán cây cau như hành Hà Lan, ổi Nữ Hoàng, dứa, sả... để cân đối cây trồng tại địa phương.

Tại huyện Tiên Phước, vùng cau của tỉnh Quảng Nam cũng có hơn 1.000ha, trong đó hơn 500ha đã cho quả với sản lượng trên 2.600 tấn quả tươi/năm, giá trị thu nhập từ quả cau và các sản phẩm phụ ước đạt từ 100-150 tỷ đồng/năm. Tiên Phước hiện có 18 lò sấy cau, tất cả các lò đều làm bằng tôn. Công suất sấy mỗi ngày được 20 tấn-30 tấn/1 lò.

Tin cùng chuyên mục
Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) đã phát huy vai trò của mình, chung tay, góp sức cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, Người có uy tín là một “kênh truyền thông” hữu hiệu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) đến với Nhân dân.