Niềm tin vượt qua hủ tục
Câu chuyện đã xảy ra nhiều năm, nhưng với Di, những tháng ngày ấy không bao giờ phai mờ trong kí ức. Di kể, từ khi còn bé, em đã được biết về tục kéo vợ của dân tộc mình. Đây là phong tục từ xa xưa, kể cả khi người con gái và người con trai yêu nhau đi nữa thì cũng phải giả vờ bị kéo, mới được mọi người tôn trọng. Còn nếu lấy nhau luôn mà không theo phong tục kéo vợ, thì cô gái ấy như thể bị mất đi một phần giá trị của một người phụ nữ, sẽ bị nói là “tham chồng”, cuộc sống sau này sẽ không tốt. Cho đến giờ vẫn có nhiều người nghĩ như vậy.
Nhưng Di khác với thế hệ ông bà, bố mẹ, khi được đi học và tiếp xúc với mạng xã hội. Nhờ đó, Di nhận thức được những tư tưởng tiến bộ, rằng hôn nhân phải dựa trên nền tảng tình yêu, và cuộc hôn nhân đó chỉ hạnh phúc khi mình sẵn sàng.
Cũng vì vậy, cô gái mới chỉ 15 tuổi, đã dám đứng lên chống lại tục kéo vợ, tránh được cuộc sống làm vợ, làm mẹ khi “ăn chưa no, lo chưa tới,” chỉ với suy nghĩ “em nhận thấy mình chưa đủ tự tin, em còn chưa giúp được bố mẹ, thì làm sao đi ở nhà người ta, làm con dâu nhà người ta được”.
“Lúc em bị kéo đi, em chỉ nghĩ đến lời mẹ dặn, khi bị kéo thì bố mẹ sẽ không được giúp, nếu không đồng ý thì phải tự phản kháng. Lúc đó, em nhận ra không ai có thể giúp được mình bằng chính mình. Đây là cuộc sống của em, chính em phải mạnh mẽ”, Di tâm sự tiếp.
Đặt niềm tin vào bản thân, Di quyết tâm rằng sẽ tự giành lại tự do cho mình, vượt lên tất cả các định kiến truyền thống. Sự kiên quyết này đã giúp em vượt qua được tục kéo vợ và những bàn tán của mọi người, tự lựa chọn, quyết định cho cuộc sống của mình. Hiện Di đã lấy chồng, sau khi cảm thấy chồng mình chín chắn, có thể lo cho gia đình. Đặc biệt, việc kết hôn của em hoàn toàn dựa trên cơ sở tình yêu và sự tự nguyện.
Cũng vì vậy mà một lần nữa Di lại bị hàng xóm chỉ trích rất nhiều. “Em và chồng yêu nhau và tự lấy nhau, không theo tục kéo vợ, hơn nữa chồng em lại hơn em gần mười tuổi. Em bị nói rằng cứng đầu, không nghe lời bố mẹ, không theo phong tục truyền thống. Lúc đó cả bố mẹ em cũng bị mọi người xa lánh một năm trời”, Di nghẹn ngào.
Nhưng điều đó không làm Di mất đi sự hy vọng. Ngược lại, em nhận ra, quan trọng hơn cả là cuộc sống hạnh phúc của chính mình. Đơn giản là em muốn tìm một người yêu thương mình, hiểu cho mình và cùng nhau cố gắng thực hiện ước mơ là được.
Đến ngày hôm nay, Di lại càng tự hào, em là một người vợ, một người mẹ, nhưng cuộc sống của em không phải do một tập tục truyền thống quyết định, mà là do chính em tự lựa chọn. “Hiện chồng của Di đã 26 tuổi và anh đã tốt nghiệp Đại học rồi đó”, Di tự hào.
Nhân vật truyền cảm hứng
Mạnh mẽ phá bỏ hủ tục, tự cắt đứt sợi dây vô hình đã trói buộc không biết bao người phụ nữ vùng cao rơi vào cảnh kéo vợ, tảo hôn, cô bé người Mông hồn nhiên hôm nay, đã xây dựng mái ấm nhỏ hạnh phúc nơi bản làng vùng cao và vẫn đang tiếp tục miệt mài, nỗ lực trên hành trình hiện thực hóa những ước mơ của mình.
Tấm gương của cô gái Di nhỏ bé càng được biết đến nhiều hơn, khi câu chuyện của em được đạo diễn Hà Lệ Diễm tái hiện thông qua bộ phim “Những đứa trẻ trong sương”, gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng. Từ đó, giúp Di lan tỏa câu chuyện của chính mình, trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ vùng cao.
“Vui nhất là cuộc sống của em thay đổi, có thể đưa mẹ đi nhiều nơi, có thể phát triển văn hóa của mình. Mình chưa nói được xa xôi, nhưng trong làng mình, các mẹ đã có ý định cho con đi học để được giống Di. Trong làng Di, các bà, các mẹ hay nói: Nhìn Di mà làm gương”, Di vui vẻ chia sẻ.
Cũng nhờ vậy, tục kéo vợ của người Mông đã giảm đi rất nhiều, và Di đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, góp phần đưa nó qua bên phía mặt trời lặn.
Cũng theo Di, câu chuyện của những bé gái và người phụ nữ vùng cao, luôn có nhiều khó khăn và rào cản, như những màn sương vô hình ngăn bước chân của họ. Nhiều ước mơ về tương lai phía trước còn chưa thực hiện được, thì đã bị vướng bận vào gia đình, con cái.
Do đó, em mong muốn sẽ đóng góp hơn nữa vào hành trình xóa bỏ những rào cản, những khuôn mẫu giới, những tập tục không còn phù hợp vẫn đang còn tồn tại nơi vùng cao, chắp cánh cho những khát vọng mạnh mẽ vươn lên cùng phụ nữ nơi đây, “Di muốn các bạn nữ vùng cao ai cũng được đi học, để hiểu biết hơn, tự lựa chọn cuộc sống, có cơ hội phát triển và bảo vệ chính mình”.
Chia sẻ về dự định tương lai, Di cho biết, trong năm học tới, em sẽ thu xếp để hoàn thành nốt chương trình THPT, mở mang kiến thức cho chính bản thân mình đồng thời tạo tiền đề thực hiện ước mơ mà em đang ấp ủ là giữ gìn nghề truyền thống người Mông bằng một dự án Start-up từ công nghệ dệt thổ cẩm, phát triển vải chàm của dân tộc mình.
Song song với đó, Di mong muốn mình có thể mở một Homestay, vừa phát triển du lịch, vừa góp phần tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ ngay tại quê hương mình, để họ có thu nhập, chủ động, tự quyết định cuộc sống, mở ra nhiều cánh cửa cơ hội cho chính cuộc sống của mình.