Làm phim tài liệu chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng
Xưa nay, nói đến đạo diễn, người làm phim, hình ảnh công chúng thường thấy là những chàng trai cao to với những đạo cụ quay phim hoành tráng, cùng với êkip vài ba người. Thế nhưng, cô gái Tày nhỏ nhắn này lại chọn một con đường chông gai: trở thành nhà làm phim tài liệu độc lập. Có phim, Diễm “cân” tất từ a đến z: quay, dựng phim, xử lý âm thanh, ánh sáng,…
“Mình là người yêu thích cảm giác tự do và thích tự tìm tòi, mày mò học hỏi mọi thứ. Hơn 10 năm bước vào con đường này, mình nghiệm ra rằng, chỉ cần bình tĩnh, điều chỉnh được hơi thở thì các khung hình sẽ được quay vào ống kính chuẩn chỉnh, không bị rung. Quan trọng là câu chuyện, là cảm xúc. Vất vả đến mấy, chỉ cần đủ đam mê thì khó khăn sẽ là những chuyện nhỏ”, Diễm chia sẻ.
Tốt nghiệp khoa Báo chí - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Diễm đã từng làm báo. Nhưng có lẽ môi trường báo chí chưa thỏa được tâm hồn nhạy cảm và trái tim luôn muốn thu hết những thanh âm của đời sống nên cô gái Tày đã rẽ sang hướng làm phim tài liệu - một dòng phim vốn rất kén người xem.
Sự nghiệp 10 năm làm phim của Diễm mới chỉ có 3 tác phẩm. Trừ “Giường xinh” là bài tốt nghiệp khóa học làm phim tài liệu Varan Vietnam năm 2016, 2 tác phẩm còn lại đều đạt giải. “Con đi trường học”- phim đầu tay Diễm tự làm một mình khi còn là sinh viên đại học - đạt giải Cánh diều Bạc năm 2013 (năm đó Cánh diều không có giải Vàng).
“Con đi trường học” là phim kể về một phụ nữ người Dao đơn thân bị HIV, một mình nuôi con ở Bắc Kạn. Cả niềm tin yêu và hy vọng sống chị dồn vào đứa con trai duy nhất. Để có những thước phim chân thật nhất, cô sinh viên Hà Lệ Diễm khi ấy cứ rảnh là bắt xe khách từ Hà Nội về Bắc Kạn, trèo đèo lội suối tới căn nhà cheo leo giữa rừng núi, ăn ngủ cùng nhân vật. “Có khi chỉ ăn măng xào, nộm ớt nghe nhân vật kể chuyện đời mình, tôi cảm thấy mình thực sự được sống nhiều hơn”, Diễm kể.
Ít người biết rằng, dù được giải Cánh diều Bạc nhưng với bộ phim “Con đi trường học”, số tiền mà Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển tài năng điện ảnh (TPD) hỗ trợ cho đạo diễn làm phim độc lập chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng. Để hoàn thành bộ phim, Diễm đã sử dụng máy ảnh canon 550D của mình để quay thay vì thuê máy quay. “Một đứa giày bê bết đất, lỉnh kỉnh chân máy, máy quay, lăn lộn ở bất cứ góc khuất, xó xỉnh nào của cuộc sống để làm phim...”, Diễm tự nhận mình như thế.
Từ kẻ lang bạt khắp nơi, cơm đường cháo chợ để làm phim, bằng nỗ lực âm thầm và lòng đam mê, cống hiến với nghề, Hà Lệ Diễm đã được đặt chân đến những đất nước xa xôi cô từng mơ ước như: Hàn Quốc, Hồng Kông, Canada, Hà Lan, Ấn Độ… để tham gia những khóa học và dự án phim quốc tế.
Phim chính là cuộc sống
Diễm theo đuổi dòng phim tài liệu trực tiếp, ưu tiên sự thật, tối giản lời bình, hầu như không có bàn tay can thiệp của đạo diễn. Cuộc sống, tính cách, hoàn cảnh của nhân vật được đạo diễn kể bằng những thước phim hoàn toàn trung thực. Nữ đạo diễn thường làm phim về đề tài phụ nữ, trẻ em vùng cao. “Tôi yêu không khí, con người của những vùng đất núi đồi trập trùng, sương giăng mây phủ. Nó khiến tôi có cảm giác tự do, phiêu lưu và được là chính mình chứ không phải một cô gái mắc kẹt trong những chiếc hộp bê tông ở thành phố”, Diễm tâm sự.
“Những đứa trẻ trong sương” là phim dài gần 100 phút kể về cô bé người dân tộc Mông tên Di, 12 tuổi, sống trong bản cách trung tâm Sa Pa khoảng 12 cây số. Nhiều cô bé xinh xắn, hồn nhiên như cây cỏ như Di phải đối diện với tục kéo vợ - điều có thể làm thay đổi tương lai của các em theo hướng ít tích cực.
Bộ phim có sự hỗ trợ sản xuất, dựng phim của vợ chồng đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus, hậu kỳ bởi Purin Pictures và White Light Studio (Thái Lan) đã giúp Diễm giành giải thưởng tuyệt đối cho vai trò đạo diễn tại Liên hoan Phim tài liệu Quốc tế Amsterdam năm 2021. Đây là liên hoan phim tài liệu có quy mô lớn nhất hiện nay, thu hút các nhà làm phim tài liệu từ khắp thế giới.
3 năm rưỡi quay phim, dựng mất 6 tháng, nguyên việc dịch nháp phim từ tiếng Mông sang tiếng phổ thông đã mất 3 tháng. Diễm đã cùng Di trải qua tuổi thơ tươi đẹp từ khi em là đứa trẻ tới khi trở thành thiếu nữ. Đạo diễn trẻ luôn trăn trở rất nhiều về số phận những đứa trẻ vùng cao như Di. Giữa giá trị truyền thống cần gìn giữ với một bên là sự xâm lấn của giá trị hiện đại, ngày sau cuộc đời những phụ nữ ấy sẽ thế nào?
Diễm miệt mài hằng năm trời với nhân vật, chứng kiến họ lớn lên, thay đổi. Rõ ràng, trên thực tế, tảo hôn, buôn bán phụ nữ và trẻ em tại vùng DTTS, miền núi là những vấn đề rất nóng được cả xã hội quan tâm. Nhưng không lên án, phê phán, phim của Diễm trong trẻo, nhẹ nhàng nhưng đầy ám ảnh.
“Tôi không phán xét ai hay điều gì tốt xấu. Tôi làm phim là để ghi lại những điều chân thật nhất từ đời sống của nhân vật, bởi suy cho cùng, chúng ta cũng là những người từ ngoài nhìn vào chứ không thực hành văn hóa của họ. Bất kỳ văn hóa nào không còn phù hợp nữa thì cộng đồng ấy sẽ loại bỏ thôi. Có điều, qua phim của mình, tôi mong muốn nói với những đứa trẻ vùng cao được tiếp cận với nhiều cơ hội học tập hơn. Bởi vì bầu trời ngoài kia rất rộng lớn”.
Cuộc đời họ có thể khác hơn không? Đó là tiếng nói đầy trách nhiệm và nhân văn của một người làm phim. Phim của Diễm như là hơi thở của đời sống, những phận người cũng tự nhiên đi vào phim khiến đạo diễn nhiều lúc quên mất phải bật máy quay. Những khung trời trong trẻo, những tiếng cười và cả những giá trị đè nặng lên mỗi phận người, tất cả đã hòa quyện nhuần nhuyễn trong những thước phim tài liệu khiến công chúng vừa xúc động vừa day dứt.
Trò chuyện với đạo diễn trẻ này, tôi cảm nhận được rõ rệt con người khiêm nhường và chân thật của cô. Diễm kể về khó khăn, vất vả trên những chặng đường làm phim một cách nhẹ tênh. Cô bảo, nghề nào cũng khó khăn, gian nan cả, quan trọng là mình thu xếp cuộc đời mình cho gọn gàng để có thể sống hạnh phúc với niềm đam mê của mình.