Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Cát Tiên (Lâm Đồng): Thúc đẩy bình đẳng giới, giúp phụ nữ vươn lên làm chủ cuộc sống

Đức Bình - 10:30, 01/12/2023

Kể từ khi Dự án 8 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) được triển khai trên địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, đã tạo ra bước chuyển biến quan trọng trong vấn đề bình đẳng giới.

Hội LHPN huyện Cát Tiên tổ chức trao phương tiện sinh kế cho hội viên khó khăn tại xã Đồng Nai Thượng
Hội LHPN huyện Cát Tiên tổ chức trao phương tiện sinh kế cho hội viên khó khăn tại xã Đồng Nai Thượng

Thúc đẩy bình đẳng giới, vươn lên làm kinh tế

Lâm Đồng nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên với dân số trên 1,3 triệu người, trong đó nữ chiếm tỷ lệ 49,6%. Đây được xem là một trong những lực lượng lao động đã và đang đóng góp tích cực, toàn diện vào công cuộc xây dựng quê hương Lâm Đồng giàu mạnh. Xác định đúng đắn tầm quan trọng của yếu tố giới, những năm qua, công tác bình đẳng giới ở Lâm Đồng đã được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức, đồng đều trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chị Ka Rẹ, 45 tuổi, dân tộc Mạ, ngụ ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng là một trong những phụ nữ DTTS tiêu biểu của huyện Cát Tiên vừa qua được Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam biểu dương là một trong những Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc năm 2023. Chị Ka Rẹ được Trung ương Hội Phụ nữ đánh giá là người tận tâm, sâu sát, đồng hành hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển toàn diện.

Được biết, trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã Đồng Nai Thượng do chị Ka Rẹ làm Chủ tịch Hội đã phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ DTTS về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Không những vậy, để phát huy truyền thống văn hóa của địa phương, chị còn vận động người dân trong xã thực hiện nếp sống văn minh, duy trì, bảo tồn truyền thống văn hóa; phát triển kinh tế, giảm nghèo, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Ka Rẹ cho biết: Hiện vẫn còn những quan niệm bất bình đẳng đối với phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Con trai có quyền nhiều hơn, được bênh vực hơn con gái. Nhiều gia đình ưu tiên đầu tư về mặt giáo dục cho con trai. Cách phân biệt đối xử này đã làm gia tăng tình trạng bỏ học sớm ở trẻ em gái…

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, chị Ka Rẹ cùng các hội viên Hội Phụ nữ xã Đồng Nai Thượng đã tham gia thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhận đỡ đầu 1 bé gái mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo chị Rẹ, bé gái này là con thứ trong gia đình có 3 người con. Sau khi người cha mất, 3 đứa con về ở với ông bà ngoại. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình cháu bé, chị đã vận động các hội viên giúp đỡ, ủng hộ vật chất để cháu bé được đến trường.

Tạo việc làm, tăng thu nhập để nâng cao vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội
Tạo việc làm, tăng thu nhập để nâng cao vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội

Để nâng cao vai trò của phụ nữ trong cộng đồng và xã hội, thời gian qua, Hội Phụ nữ Đồng Nai Thượng cũng đã hỗ trợ chị em vay vốn, tìm việc làm để tăng thu nhập, tự chủ về kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, Hội đang quản lý trên 7 tỷ đồng tín chấp cho gần 250 hộ vay. Các nghệ nhân nữ còn tham gia truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho hàng trăm người dân trong xã để gìn giữ nghề dệt truyền thống, tạo thêm cơ hội việc làm. Nhờ những nỗ lực đó, hiện toàn xã Đồng Nai Thượng chỉ còn 1 hội viên phụ nữ nghèo và 4 hội viên cận nghèo.

Phòng, chống các tệ nạn, hướng đến bình đẳng, hạnh phúc

Thực hiện Dự án 8, Chương trình MTQG 1719, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Lâm Đồng lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm.

Ngoài hệ thống những văn bản chỉ đạo làm cơ sở tiền đề vững chắc cho việc triển khai thực hiện bình đẳng giới, các chương trình hành động cũng đã được cụ thể hóa thông qua những kế hoạch gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị, từng ban, ngành, đoàn thể. Chính sự quan tâm một cách đồng bộ của các cấp, các ngành đã góp phần quan trọng tạo nên sự bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và đời sống xã hội.

Là địa phương có hơn 90% cư dân là người DTTS, chủ yếu là người Mạ, Đồng Nai Thượng đã được chọn làm xã điểm của huyện Cát Tiên tổ chức “Tọa đàm nâng cao vai trò của phụ nữ DTTS trong gia đình và xã hội”. Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã cung cấp thông tin về tình hình phụ nữ và công tác vận động phụ nữ DTTS; những kinh nghiệm trong phát huy vị thế, vai trò phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Các cán bộ tư pháp và công an ở huyện Cát Tiên tuyên truyền những văn bản pháp luật về bình đẳng giới; thông tin về nạn xâm hại phụ nữ, trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tình hình bạo lực gia đình và công tác phối hợp xử lý các hành vi liên quan đến bạo lực gia đình.

Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng trao đổi chuyên đề thực hiện Dự án 8 - Chương trình MTQG 1719.
Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng trao đổi chuyên đề thực hiện Dự án 8 - Chương trình MTQG 1719.

Bà Trần Thị Ngọc Lài, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cát Tiên cho biết, đồng hành cùng phụ nữ vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS, những năm qua, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia, vận động cán bộ chuyên trách và nữ công nhân, viên chức ủng hộ tinh thần lẫn vật chất để thực hiện Chương trình. Bằng những việc làm cụ thể, các cấp Hội đã tuyên truyền, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, sinh hoạt câu lạc bộ, mô hình và vận động hội viên tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng, đồng hành.

Thời gian qua, Hội LHPN huyện Cát Tiên đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực gắn với tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Điển hình là thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch", góp phần xây dựng khu dân cư tiêu biểu; hỗ trợ 2 phương tiện sinh kế cho 2 hội viên dân tộc tại bản Buôn Go và thôn Bi Nao với số tiền 10 triệu đồng; trao 10 suất học bổng (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) cho 10 em học sinh tại Thôn 3, xã Phước Cát 2 có thành tích cao, vượt khó vươn lên trong học tập; hỗ trợ 1 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường cho 1 hội viên DTTS cận nghèo ở thôn 3, xã Phước Cát với tổng số tiền 30 triệu đồng. Mới đây, Hội LHPN huyện đã trao tặng 3 phương tiện sinh kế là máy may cho các chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Đồng Nai Thượng. Đồng thời, trao tặng học bổng cho các học sinh nghèo, khó khăn vượt khó trong học tập trên địa bàn với tổng số tiền trị giá 25 triệu đồng.

Bà Trần Thị Ngọc Lài cho biết, Chương trình đồng hành cùng phụ nữ vùng khó khăn, vùng  đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Cát Tiên đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong các tầng lớp phụ nữ, được đông đảo hội viên hưởng ứng. Chương trình đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, thống nhất, đã kịp thời hỗ trợ nhiều em học sinh vượt khó vươn lên trong học tập; giúp đỡ nhiều hội viên phụ nữ nghèo, DTTS vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng gia đình “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”.



Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.