Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Yên Bái: Nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số

Công Minh - 09:02, 02/12/2023

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, khoảng cách chênh lệch về giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Yên Bái ngày càng được rút ngắn. Việc thực hiện quyền năng của phụ nữ DTTS, thực hiện bình đẳng giới chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Yên Bái luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ DTTS, coi đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong triển khai hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

UBND tỉnh Yên Bái, các sở, ngành, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch như: Kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025; Kế hoạch thực hiện Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025; Kế hoạch tuyên truyền kiến thức, pháp luật về bình đẳng giới trong vùng DTTS và miền núi… Đặc biệt, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành và triển khai Đề án số 11-ĐA/TU năm 2018 về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 60% cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tăng tỷ lệ lao động nữ DTTS làm công hưởng lương đạt 40% vào năm 2025 và khoảng 50% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ lao động nữ DTTS làm việc trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản xuống 50% vào năm 2025 và dưới 30% vào năm 2030. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của phụ nữ DTTS trong khám chữa bệnh lên 98% năm 2025 và 100% năm 2030…

Tỉnh cũng chú trọng kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bình đẳng giới. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới, các văn bản pháp luật mới liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em...

Từ đầu năm 2023 đến nay, đã thành lập được 214 tổ truyền thông cộng đồng tại cơ sở; tổ chức 19 lớp tập huấn về hướng dẫn, thành lập, vận hành tổ truyền thông cộng đồng; 16 lớp tập huấn vận hành, duy trì "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; 10 lớp tập huấn về tổ chức đối thoại chính sách cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã và thôn, bản. Các tổ truyền thông cộng đồng tổ chức 69 hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới tại cộng đồng thu hút gần 4.000 lượt người tham dự.

Đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào (phải), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải, hướng dẫn cán bộ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào (phải), Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải, hướng dẫn cán bộ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ.

Các hoạt động truyền thông nhằm thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 cũng được triển khai tại 59 xã, 55 thôn đặc biệt khó khăn tại 8 huyện, thị. Các cấp Hội thường xuyên đăng tin, bài, ảnh về hoạt động trên trang web của Hội và trang mạng xã hội; thực hiện giám sát thông qua hệ thống văn bản chỉ đạo và báo cáo của Hội LHPN cấp huyện; tổ chức kiểm tra, giám sát trực tiếp tại cơ sở...

Tăng cường đào tạo nghề, tạo việc làm

Công tác giáo dục đào tạo được tỉnh Yên Bái quan tâm và có chuyển biến tích cực. Nhiều học sinh DTTS đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Số học sinh nữ DTTS đi học trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học tăng nhiều hơn. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng luôn quan tâm đào tạo, quy hoạch cán bộ, trong đó có cán bộ nữ vùng DTTS...

Số lượng cán bộ nữ, cán bộ DTTS là đại biểu Quốc hội và tham gia vào Hội đồng nhân dân các cấp đã tăng so với những năm trước đây. Nhiều cán bộ nữ, cán bộ DTTS được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các sở, ban, ngành, địa phương, các hội đoàn thể của tỉnh.

Sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, chị Khang Thị Mào (dân tộc Mông) không giống như một số bạn cùng trang lứa là sau khi học xong cấp 2 thì nghỉ học, lập gia đình. Vượt qua hủ tục cũng như cách nhìn nhận vai trò của người phụ nữ ở vùng cao, với nỗ lực của bản thân, chị Mào tiếp tục học lên cấp 3 và đại học. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, chị về công tác, cống hiến trên chính mảnh đất quê hương Mù Cang Chải.

Yên Bái đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Yên Bái đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trải qua nhiều vị trí công tác, hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mù Cang Chải, chị Khang Thị Mào được biết đến là một nữ cán bộ lãnh đạo trách nhiệm, tâm huyết, luôn tận tâm, tận lực với công việc.

Với những cống hiến, đóng góp trong công tác, tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026, chị Khang Thị Mào đã được các cử tri tin tưởng, tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái khóa XV. Chị Mào chia sẻ: “Trên cương vị công tác của mình, tôi nhận thấy đây là một nhiệm vụ lớn lao nên luôn cần phải học hỏi, trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn thì mới tiếp cận được với công việc và những nội dung mới mà Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương giao phó”.

Các hoạt động làm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người DTTS đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động được triển khai thực hiện thông qua nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội góp phần thay đổi bộ mặt vùng DTTS.

Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Yên Bái giảm 2,28%, đạt 117,6% kế hoạch; năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 5,15%, đạt 127,5% kế hoạch, năm 2023 phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 9,16%. Tỷ lệ thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ nghèo có sự chuyển biến tích cực, đời sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân sinh sống tại các địa bàn khó khăn ngày càng được nâng cao.

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTS tỉnh Yên Bái trong mọi mặt của đời sống xã hội.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm bố trí, sắp xếp, sử dụng, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ này chiếm 22,5% - cao hơn nhiệm kỳ trước và thuộc nhóm cao trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó, cấp tỉnh là 20,8%, cấp huyện là 21,6%, cấp xã là 22,7%. Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV chiếm 50%; tham gia đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 chiếm 34,4%, tăng 1,4% so với nhiệm kỳ trước (cao hơn 5% so với bình quân chung của của nước).

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.