Thực hiện chủ trương và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng đã tích cực triển khai xây dựng Đề án “Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023”. Vừa qua, đề án được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó tích hợp, lồng ghép nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia và huy động thêm các nguồn vốn xã hội hóa nhằm hỗ trợ các hộ khó khăn về nhà ở đạt hiệu quả.
Dự kiến nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 7 huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh được bố trí 380,430 tỷ đồng, trong đó, năm 2022 dự kiến bố trí 57 tỷ đồng, năm 2023, dự kiến bố trí 97 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025, các đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng.
Đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, là hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm.
Các hộ chưa có nhà ở, hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng, không có khả năng làm mới, sửa chữa và đã được rà soát, thống kê tại thời điểm cuối năm 2020.
Việc hỗ trợ phải thực hiện đúng đối tượng, bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng, và minh bạch trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thực hiện hỗ trợ theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ theo phương thức trực tiếp một phần, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.
Các hộ gia đình được hỗ trợ, phải xây dựng được nhà ở mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đang có đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng”, (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Diện tích tối thiểu: 30m2; tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
Theo báo cáo tại Hội nghị triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023” ngày 3/11/2022, toàn tỉnh năm 2020 có 7.486 hộ ở nhà tạm, nhà dột nát; đến cuối năm 2020, với 35 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Bộ Công an, UBND TP. Hà Nội, tỉnh triển khai hỗ trợ 884 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xây dựng nhà ở. Năm 2021 - 2022, tỉnh chủ trương huy động mọi nguồn lực hỗ trợ xóa cơ bản, dứt điểm số nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, kinh phí dự kiến trên 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, nguồn tăng thu sử dụng đất...
Cao Bằng phấn đấu hết năm 2023 thực hiện hoàn thành việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 100% hộ gia đình có trong danh sách rà soát đến tháng 12/2020 là 6.602 hộ; giai đoạn 2024 - 2025, tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi...
Chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025 cụ thể như sau:
Đối với các hộ chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng có nhu cầu xây mới nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có nguồn lực để đối ứng hoặc không thể có biện pháp thi công khác thì thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà lắp ghép bằng tôn, mức hỗ trợ 55 triệu đồng/nhà.
Đối với các hộ có nhu cầu làm mới và có nguồn lực để đối ứng: mức hỗ trợ 44 triệu đồng/nhà.
Đối với các hộ sửa chữa nhà ở: mức hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/nhà.