Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Niềm vui an cư của các hộ nghèo ở Mường La

Thuỳ Anh - 08:49, 29/07/2022

Bằng trái tim yêu thương, sự sẻ chia, giúp đỡ của các tổ chức chính trị xã hội, các nhà hảo tâm, các cấp, các ngành, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ở Mường La (Sơn La) đã xoá bỏ hơn 407 ngôi nhà tạm, dột nát để đồng bào an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.

Nhà sàn bằng gỗ cũ kỹ siêu vẹo của một hộ nghèo huyện Mường La, tỉnh Sơn La
Nhà sàn bằng gỗ cũ kỹ siêu vẹo của một hộ nghèo huyện Mường La, tỉnh Sơn La

Trong ngôi nhà xiêu vẹo

Em Cà Thị Nguyệt, người Thái ở xã Pi Toong (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) ngân ngấn khoé mắt nhớ về những hồi ức không xa, “những ngày tháng bố còn sống, cả gia đình 5 người cùng nhau hạnh phúc trong ngôi nhà sàn gỗ được làm từ ngày bố mẹ lấy nhau (năm 2001- PV). Năm em lên lớp 7 bố đột ngột qua đời, để lại 4 mẹ con chật vật với bao khó khăn. Một ngày, mẹ nói với em, quê mình nghèo quá, làm ruộng cũng không đủ tiền để 4 mẹ con nuôi nhau, nên năm đó em nghỉ học theo mẹ đi Hưng Yên làm phu hồ.

Vài tháng sau, mẹ quen một người đàn ông mới rồi mẹ đi lấy chồng. Em quay về Pi Toong, phụ giúp ông bà ngoại chăm sóc vườn cây để có thêm chi phí chăm sóc cho 2 em của em. Em trai là Cà Văn Quang mới lên lớp 2 và một em gái mới 3 tuổi, 3 chị em sống trong ngôi nhà sàn kỷ niệm của bố mẹ đã cũ kỹ, siêu vẹo vì mối mọt, mỗi lần gió bão nó nghiêng ngả, đung đưa, rất sợ. Khi đó, Quang đã bị bệnh suy thận mãn được vài năm, mỗi tháng chi phí chữa bệnh cũng hết mấy triệu đồng, mẹ đi lấy chồng phải lo cho gia đình mới, không đỡ đần được gì cho 3 chị em, nhiều hôm Quang đau quá gọi điện cho mẹ còn bị mẹ mắng, nghĩ cùng cực, em lại quay xuống Hà Nội xin làm bưng bê cho một nhà hàng.

Lương của em mỗi tháng chỉ được 6 triệu đồng, nhưng mỗi tháng cũng mất đôi lần về quê đưa Quang đi chạy thận, trừ hết tiền thuê nhà và chi phí cho bản thân, còn bao nhiêu là gửi hết về quê cho Quang mua thuốc và chăm sóc cho em gái. Nếu chạy thận thường xuyên hằng tuần ở bệnh viện thì mỗi tháng Quang cũng cần từ 2 - 6 triệu đồng, nên nó không nằm viện, chỉ khi nào người bị phù, “bí tiểu” quá thì mới dám vào bệnh viện chạy thận thôi”.

Chia sẻ với chúng tôi, Quang kể, nhà cách trường hơn 5km, em không có xe đạp nên ngày nào cũng đi bộ đến lớp dù nắng hay mưa, nhiều hôm em ngất dọc đường người trong thôn lại chở về nhà. Thi thoảng em còn đi nhờ xe đạp cùng các bạn, nhưng cũng không được thường xuyên. Năm lên lớp 7, em thấy không đủ sức khoẻ đến lớp được nữa, nên ở nhà phụ cậu mợ và ông bà ngoại làm việc đồng áng (ông bà ngoại và cậu sống gần nhà Quang - PV), nhưng cũng không làm được nhiều.

“Chị Nguyệt đi làm xa, chỉ còn em và em gái sống trong cái nhà sàn cũ. Sợ nhất là những mùa mưa đến, nhiều đêm bão to, thổi bay mất tấm lợp, nhà thì lung lay em sợ nó sập xuống, lần nào em cũng chỉ biết khóc ôm đứa em gái nhỏ, rồi gọi điện cho chị Nguyệt. Chị bảo là 2 anh em chạy sang nhà vệ sinh của cậu mợ ở bên cạnh trú tạm, đợi sáng thì gọi cậu mợ sang giúp cho”- Quang nghẹn ngào nói.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng chính quyền các cấp bàn giao nhà mới cho gia đình em Cà Văn Quang
Lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng chính quyền các cấp bàn giao nhà mới cho gia đình em Cà Văn Quang

Niềm vui an cư, ước mơ “lạc nghiệp”

“Năm trước, các bác cán bộ xã và huyện cũng xuống nhà em, bảo là cho 40 triệu đồng để xây nhà cho mấy chị em. Đến khi hoàn thiện, cậu mợ cũng đỡ đần thêm để hôm nay chúng em có căn nhà mới rộng 50m2. Nhà xây kiên cố lại còn cả nhà vệ sinh nữa, em đi làm xa cũng thấy yên tâm hơn. Từ khi mẹ đi lấy chồng, em luôn nghĩ phải cố gắng làm thật chăm chỉ để có đủ tiền cho Quang đi chữa bệnh, chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ được ở trong 1 căn nhà xây đẹp như thế này. Có nhà mới là có chỗ để thờ bố và cho 2 đứa em ở như thế này em rất biết ơn sự giúp đỡ của các cán bộ và mọi người”- Nguyệt xúc động nói.

“Năm nay em tròn 20 tuổi, chưa được học cấp 3, cũng không có nghề nghiệp gì, nhưng em có kinh nghiệm gần 6 năm làm phụ việc cho nhà hàng, em ước mơ trở thành đầu bếp để có nhiều tiền hơn lo chữa bệnh cho Quang và nuôi được em gái nhỏ năm nay mới học hết lớp 2”, Nguyệt chia sẻ thêm.

Ngôi nhà của chị em Cà Thị Nguyệt và Cà Văn Quang là một trong 407 ngôi nhà mà huyện Mường La mới bàn giao cho những hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở đầu tháng 7 năm nay.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La tặng nhà cho gia đình bà Cà Thị An, xã Pi Toong, huyện Mường La
Lãnh đạo tỉnh Sơn La tặng nhà cho gia đình bà Cà Thị An, xã Pi Toong, huyện Mường La

Được biết, tháng 3/2021 UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt Đề án “Huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025” tại Quyết định số 337.

Thực hiện Đề án “Huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025”, trong 2 năm huyện Mường La đã vận động được trên 22 tỷ đồng để xoá bỏ nhà tạm và sửa chữa, xây mới cho 407; sửa chữa, xây mới cho 13 hộ khác nằm ngoài Đề án. Qua rà soát thống kê của UBND tỉnh Sơn La, đầu năm 2021, trong giai đoạn 2021-2025, địa bàn tỉnh này còn 8.318 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, trong đó có 7.178 hộ đề nghị làm mới, 1.140 hộ đề nghị hỗ trợ sửa chữa.

Theo đó, chính quyền huyện Mường La luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chủ trương và nội dung của Đề án trên. Đồng thời kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ kinh phí, vận động bà con tham gia đóng góp nguyên vật liệu, ngày công, máy móc giúp đỡ những hộ thuộc diện cần hỗ trợ xây nhà ở.

Ông Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện uỷ Mường La cho biết: để triển khai hiệu quả Đề án, chúng tôi phân công cán bộ huyện, xã đến từng gia đình để vận động. Được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Sơn La trong việc phân công các sở ngành phụ trách cùng hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp chung tay giúp đỡ, đặc biệt là sự kêu gọi hỗ trợ từ phía Sở Tài chính.

“Trong quá trình thực hiện, huyện luôn chú trọng đến bản sắc văn hoá của từng dân tộc. Điển hình như, đồng bào dân tộc Thái và Mông thường làm nhà vào cuối năm, đầu năm lên nhà mới để đón xuân mới. Huyện cũng linh hoạt vận dụng sao cho phù hợp với văn hoá và tín ngưỡng của bà con”- ông Thuận cho biết thêm.

Cũng theo ông Thuận, việc xoá nhà tạm chỉ là một trong những nhiệm vụ trong tâm trong công tác hỗ trợ cho các hộ nghèo của huyện. Ngoài ra, nhiệm vụ tạo công ăn việc làm ổn định giúp bà con thoát nghèo bền vững cũng là nhiệm vụ trọng điểm trong thời gian tới. Huyện Mường La có diện tích đất đai trù phú, Chính quyền huyện rất hy vọng tiếp tục huy động thêm được nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo, đồng thời mong bà con Nhân dân sẽ khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai màu mỡ của chính gia đình mình, cùng phát triển kinh tế nông nghiệp như trồng cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò, gia cầm…”.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.