Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cao Bằng: Chương trình 135 nâng cao năng lực cán bộ cơ sở

Mạnh Cường - 15:34, 31/12/2020

Thực hiện Chương trình 135, trong năm 2020, tỉnh Cao Bằng đã mở 51 lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho 3.735 lượt học viên là cán bộ, công chức cấp xã, đoàn thể, Người có uy tín, người DTTS... Qua đào tạo, cán bộ cơ sở ở Cao Bằng đã được trang bị nhiều kiến thức bổ ích, từ đó áp dụng vào thực tiễn quản lý, điều hành, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND xã Trường Hà, anh Đàm Ích Tụ trao đổi kinh nghiệm sản xuất với người dân
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Hà, anh Đàm Ích Tụ trao đổi kinh nghiệm sản xuất với người dân

Đầu năm 2020, anh Đàm Ích Tụ, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Hà, huyện Hà Quảng cùng 3 cán bộ xã được tham gia lớp tập huấn 5 ngày về kỹ năng lập hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán các hạng mục xây dựng cơ bản. Cùng đó, là lớp tập huấn về chuyển giao ứng dụng KHCN (giống lúa mới) vào sản xuất, kỹ thuật chăm sóc gia súc, gia cầm.

Sau khóa học, anh Đàm Ích Tụ đã áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn quản lý, điều hành tại cơ sở. Anh Tụ chia sẻ: "Mặc dù trước đây tốt nghiệp đại học và học qua các lớp quản lý hành chính, quản lý nhà nước, nhưng chỉ là những kiến thức chung, mang tầm vĩ mô. Được tham gia các lớp tập huấn về từng mô hình cụ thể, chúng tôi có kiến thức, có kỹ năng trong việc tham gia, chỉ đạo, giám sát các công trình hạ tầng, các mô hình sản xuất, nuôi trồng, từ đó, điều hành, triển khai các công việc được thuận lợi hơn".

Tại xóm Nà Sác, xã Trường Hà, anh Lý Văn Châư, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín của xóm Nà Sác cũng là một trong những cán bộ được chọn cử tham gia tập huấn, nâng cao năng lực theo Chương trình 135 (năm 2020). Sau tập huấn, các kỹ năng quản lý, giám sát xây dựng cơ bản, kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, cây trồng được anh Châư lĩnh hội, phổ biến đến bà con.

Anh Châư chia sẻ, Nà Sác là xóm mới được sáp nhập vào xã Trường Hà, đa phần là đồng bào nghèo, những kiến thức về chăm sóc cây trồng, vật nuôi còn nhiều hạn chế. Với những kiến thức đã được tập huấn, phổ biến, cán bộ thôn có thể áp dụng và góp phần thực hiện tốt các chính sách dân tộc, từng bước xóa đói giảm nghèo cho người dân tại địa phương.

Được tập huấn, nâng cao năng lực, áp dụng vào thực tế công việc, đã giúp cho việc chỉ đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ ở cơ sở của các cán bộ cấp xã ở Trường Hà đạt được nhiều kết quả tích cực. “Các mô hình hỗ trợ sản xuất về giống lúa, máy tẽ ngô, giống bò; giám sát công trình xây dựng… đã được cán bộ áp dụng vào thực tiễn, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Trường Hà giảm từ 144 hộ (năm 2019) xuống còn 117 hộ (cuối năm 2020). UBND xã đặt mục tiêu phấn đấu, đến hết năm 2021 về đích nông thôn mới”, anh Đàm Ích Tụ khẳng định.

Anh Lý Văn Châư hướng dẫn người dân xóm Nà Sác sửa chữa nhà đón Tết.
Anh Lý Văn Châư hướng dẫn người dân xóm Nà Sác sửa chữa nhà đón Tết.

Ngay trong những ngày cuối tháng 12/2020, trên địa bàn xóm Nà Sác, xã Trường Hà, 14 căn nhà lắp ghép (50 triệu đồng/nhà); 20 nhà xây mới (40 triệu đồng/nhà) và 21 nhà sửa chữa (30 triệu đồng/nhà) do Bộ Công an hỗ trợ kinh phí (50 triệu đồng/nhà) đã và đang được khẩn trương hoàn thiện.

Trên công trình luôn thấy bóng dáng cán bộ xã, cán bộ công an huyện đồng hành với người dân hoàn thiện các hạng mục. Anh Phàn Văn Sinh chia sẻ: "Được hỗ trợ kinh phí làm nhà, lại được cán bộ xã, xóm tận tình hướng dẫn, căn nhà mới của tôi sắp được hoàn thiện, tôi rất xúc động và biết ơn chính quyền địa phương".

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, thực hiện Dự án Nâng cao năng lực cán bộ (Chương trình 135) trong năm 2020, tỉnh Cao Bằng đã mở 51 lớp cho 3.735 lượt học viên là cán bộ, công chức cấp xã; đoàn thể, cộng đồng. Các lớp tập huấn với nội dung: Quy trình triển khai dự án phát triển sản xuất; Hướng dẫn sử dụng, bảo dưỡng máy nông nghiệp; Tập huấn công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; Tập huấn nghiệp vụ duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư; Tập huấn công tác quản lý tài chính và thủ tục thành quyết toán; Tập huấn công tác thẩm định, phê duyệt giá vật liệu xây dựng và thiết kế dự toán xây dựng; Tập huấn công tác đấu thầu qua mạng.

“Qua đào tạo, cán bộ cơ sở ở Cao Bằng đã được trang bị nhiều kiến thức bổ ích, từ đó áp dụng vào thực tiễn quản lý, điều hành, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là thực hiện Chương trình 135. Đây cũng là những kiến thức, kinh nghiệm quý báu để tỉnh triển khai các hợp phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”, ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng khẳng định.



Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.