Mới đây, khoảng 15h ngày 12/11, 5 người dân ở xóm Lũng Khoen, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) dùng dây thừng leo vào hang để tìm kiếm vàng. Trong quá trình leo vào hang, anh Triệu Kiềm Chìu bị rơi xuống vực sâu và mất tích. Lực lượng chức năng đã tìm kiếm nhiều ngày nhưng không được do hang nhỏ, sâu nên buộc phải dừng lại.
Cũng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trước đó, tại xã Đoài Hương (huyện Trùng Khánh) cũng đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 2 người chết. Cụ thể, ngày 30/6/2020, ông Hứa Văn Háy (SN 1976) có dùng đầu máy tuốt lúa để bơm nước từ trong hang Sa Đeng lên bừa ruộng, hang này sâu 36 mét. Đến khoảng 12h, ông Háy tiếp tục xuống hang kiểm tra bơm, sau khoảng 20 phút không thấy lên.
Sau đó thì 6 người đã lần lượt xuống tìm cứu ông Háy, thế nhưng tất cả mọi người xuống đều gặp nạn. Trong đó, 2 người đã tử vong là ông Háy và anh Nông Văn Dụ.
Sự việc tương tự cũng đã diễn ra ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, như Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên… Từ thực tế này, đòi hỏi các cấp chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng, chuyên ngành liên quan; đặc biệt là ở những địa bàn miền núi, nơi có nhiều hang động cần phải quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, để người dân nắm rõ các thông tin kiến thức kỹ năng phòng tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
PGS.TS Trần Hồng Côn, nguyên giảng viên bộ môn Công nghệ Hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên cho biết, những khu vực có độ sâu lớn thường tích tụ các loại khí độc như CO, CO2, CH4, H2S... Những loại khí độc không màu, không mùi này vô cùng nguy hiểm. Việc người dân tự ý vào những khu vực có độ sâu lớn là hết sức nguy hiểm, đặc biệt là tiềm ẩn nhiều rủi ro ngạt khí. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác với những khu vực hang động có độ sâu lớn, hoang vắng. Nếu không có việc tốt nhất không tự ý vào khu vực này.
“Nếu buộc phải làm việc ở đây, người dân phải thăm dò xem không khí dưới đáy có thở được không. Muốn vậy, người dân có thể dùng cách thử đơn giản: Thắp một ngọn nến, hay đèn, dòng dây thả dần xuống trước, nếu ngọn nến vẫn cháy sáng bình thường là không khí ở đáy vẫn đủ oxy, người có thể xuống được. Nếu ngọn nến chỉ cháy leo lét rồi tắt thì không nên xuống vì phía dưới thiếu oxy và nhiều khí CO2, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Cũng có thể nhốt một con gà hay chim vào trong lồng, buộc dây thả dần xuống gần sát đáy, nếu con vật bị chết ngạt là dưới giếng có nhiều khí CO2, người không xuống được”, PGS.TS Trần Hồng Côn chia sẻ kinh nghiệm.