Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Cần Thơ: Tăng cường điều trị dự phòng lây nhiễm HIV

Như Hải - 16:09, 23/06/2020

Tại TP. Cần Thơ, sau 28 năm xuất hiện và lây lan, dịch HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân gây ra các “gánh nặng” về xã hội cho Thành phố này. Với giải pháp điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho quần thể nguy cơ cao được miễn phí thuốc và một số xét nghiệm, đang dần giúp cho địa phương giảm tỷ lệ người mắc bệnh.

Cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP. Cần Thơ chụp ảnh với các khách hàng đầu tiên tại Lễ khai trương Dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)
Cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP. Cần Thơ chụp ảnh với các khách hàng đầu tiên tại Lễ khai trương Dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP. Cần Thơ, trong năm 2019, địa phương này phát hiện mới 320 người nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV lên 6.480 người. Trong năm đã có 17 người chuyển sang AIDS, 31 người tử vong. 

Theo đó, TP. Cần Thơ xếp thứ 14 trên cả nước về số người nhiễm HIV và đã ra khỏi danh sách 10 tỉnh/thành phố có số người nhiễm HIV cao nhất cả nước gần 10 năm nay. Mặc dù vậy, dịch HIV/AIDS trên địa bàn Thành phố vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao. Nguyên nhân là trên địa bàn Thành phố, tình hình tội phạm ma túy rất phức tạp. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP. Cần Thơ, chỉ tính năm 2019, trên địa bàn đã xảy ra 332 vụ liên quan ma túy, giảm 21 vụ so với cùng kỳ; tuy nhiên người nghiện lại tăng 203 người. Các đối tượng không sử dụng ma túy thông thường mà chủ yếu chuyển qua sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp.

Theo ông Thuận, lực lượng Công an đã mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy để làm giảm loại tội phạm này. Nhờ đó, Thành phố cơ bản đã “hạ nhiệt” các vụ việc liên quan đến ma túy, đồng thời khống chế được tốc độ gia tăng của dịch HIV/AIDS, giảm cả 3 mặt (nhiễm mới, chuyển sang AIDS, tử vong). 

Tội phạm ma túy giảm dần, nhưng một nguyên nhân khác khiến nguy cơ gia tăng người nhiễm HIV đang hiện hữu là lây qua quan hệ tình dục, nhất là tình dục đồng giới (MSM). Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn Thành phố có khoảng 1.985 nam quan hệ tình dục đồng giới, nằm trong tốp 5 các địa phương có tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM cao nhất nước. 

Kết quả giám sát trọng điểm HIV trong những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ MSM ở Cần Thơ có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này từ 5% năm 2015 tăng lên 14,7% năm 2017, 18% năm 2018 và 20,3% năm 2019. 

Các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV truyền thống đã được triển khai đồng bộ, nhưng tỷ lệ thường xuyên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục ở nhóm MSM chỉ khoảng 44%. Do đó, để tiếp tục giảm số người nhiễm HIV, bên cạnh những giải pháp “cứng rắn” với loại tội phạm ma túy thì Thành phố cũng duy trì những giải pháp “mềm dẻo” với những can thiệp khác cho nhóm đối tượng nguy cơ cao. 

Ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP. Cần Thơ cho biết: “Trên thế giới, các bằng chứng khoa học đã chứng minh việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho quần thể nguy cơ cao bằng thuốc kháng HIV (ARV) có thể dự phòng lây nhiễm HIV. Việc tuân thủ uống ARV hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên đến 90%”.

Cũng theo ông Trúc, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo các quốc gia cần triển khai dự phòng nhiễm HIV cho quần thể nguy cơ cao (như nhóm quan hệ tình dục đồng giới, nhóm chuyển giới, bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV, người nghiện chích ma túy và nhóm mua bán dâm). Những người có nguy cơ cao nhiễm HIV, chưa nhiễm HIV, không chống chỉ định đều có thể dùng PrEP. Đặc biệt, trong năm 2019 và 2020, khoảng 2.200 khách hàng dùng PrEP được miễn phí thuốc và một số xét nghiệm. Đây là một bước tiến mới mở rộng cho chương trình can thiệp điều trị dự phòng lây nhiễm HIV tại TP. Cần Thơ.