Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phòng khám ngoại trú cho bệnh nhân HIV/AIDS

PV - 15:04, 14/12/2018

Đồng Nai là tỉnh phát hiện số người nhiễm HIV cao, nhưng do hạn chế về nguồn lực nên nhiều người nhiễm HIV ở cộng đồng chưa được kết nối vào chương trình chăm sóc và điều trị. Vì vậy, việc mở ra các phòng khám OPC (phòng khám và điều trị ngoại trú dành cho bệnh nhân HIV/AIDS) đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong việc khám, tư vấn và điều trị bệnh, nhiều bệnh nhân đã khỏe mạnh, hòa nhập cộng đồng.

HIV Bệnh nhân điều trị ARV lãnh thuốc tại một phòng khám ngoại trú (ảnh tư liệu).

Bệnh nhân HIV được hưởng lợi

Được biết hiện nay, các nguồn viện trợ từ các tổ chức nước ngoài cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm mạnh, nhưng nhờ có sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, trong đó có sự hỗ trợ từ Tổ chức AHF (tổ chức phi chính phủ chuyên về chăm sóc điều trị HIV/AIDS lớn nhất ở Mỹ), công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, trong đó có Đồng Nai đang có chuyển biến tích cực.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 7 phòng khám ngoại trú cho người lớn, gồm: Trung tâm phòng chống HIV/AIDS; Thị xã Long Khánh; huyện Long Thành; Bệnh viện Đa khoa TP. Biên Hòa; Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai; Bệnh viện Da liễu và một phòng khám cho trẻ ở Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Việc mở rộng mạng lưới điều trị HIV được phủ kín ngày càng thu hút được bệnh nhân HIV đến tư vấn và điều trị.

Tại Đồng Nai, tính đến thời điểm hiện tại, số người phát hiện nhiễm HIV/AIDS trên 7.800 người, trong đó hơn 2.400 người đã tử vong. Hiện có khoảng 2.950 bệnh nhân được điều trị ARV. Chị N.T.T. một bệnh nhân ở huyện Định Quán cho biết: “Từ khi phòng khám ở Trung tâm y tế Long Khánh được mở, tôi đã tiết kiệm được quãng đường đi lấy thuốc. Ngày trước, mỗi tháng phải bắt 2 chuyến xe buýt mới lên được Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS. Cả đi lẫn về mất gần một ngày nên rất mệt. Bây giờ tôi chỉ cần đi xe máy về Long Khánh là nhận được thuốc”.

Tại Phòng khám OPC (thuộc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai), chúng tôi gặp bệnh nhân tên V.B. (ngụ huyện Tân Phú). Anh B. kể, ngày phát hiện mình bị nhiễm HIV cách đây hơn 2 năm, anh gần như suy sụp hoàn toàn, lao vào uống rượu, cơ thể suy nhược trầm trọng. Từ một thanh niên nặng 60kg, anh sụt cân xuống chỉ còn có 35kg.

“Nhờ sự động viên, tư vấn và điều trị của bác sĩ Hằng, tôi đã lấy lại sức khỏe và ổn định tinh thần. Tôi hiểu rằng, với căn bệnh này nếu tuân thủ điều trị ARV (thuốc kháng virus HIV) tốt, thì vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường. Tôi như được hồi sinh và trở về cuộc sống đời thường với tâm lý khá hơn, lo làm ăn phụ giúp gia đình”, anh B. tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hằng, phụ trách Phòng khám OPC (Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai) cho biết, việc điều trị sớm bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị tốt, thì sẽ kiểm soát được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

“Đặc biệt, sự đồng cảm, chia sẻ và nỗ lực điều trị bệnh hiệu quả cho bệnh nhân là giải pháp tốt nhất để bệnh nhân ổn định tinh thần, yên tâm điều trị bệnh, biết cách phòng tránh lây bệnh trong cộng đồng”, bác sĩ Hằng tâm sự.

Còn đó những khó khăn

Theo BS Trần Trung Tá, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AID tỉnh Đồng Nai, việc mở rộng các phòng khám OPC đã phần nào đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân và một số bệnh nhân chuyển về từ TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, công tác điều trị trong thời gian qua, cũng gặp không ít khó khăn. Đó là việc thiếu cán bộ thực hiện các chương trình, một số cán bộ tại các phòng OPC chưa đáp ứng kịp với những thay đổi trong các phác đồ điều trị, cán bộ tư vấn điều trị chưa được đào tạo bài bản và thường xuyên phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác…

Cung ứng thuốc ARV liên tục cũng là vấn đề khó khăn, nhất là trong giai đoạn tới đây khi các nhà tài trợ quốc tế cắt giảm nguồn viện trợ, việc dự trù thuốc của các phòng OPC còn chậm, dẫn đến việc thiếu nguồn thuốc cho bệnh nhân là không tránh khỏi. Bên cạnh đó, Đồng Nai là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống với đa ngôn ngữ cũng đã làm cho người nhiễm HIV nhất là ở vùng sâu, vùng xa hạn chế tiếp cận với dịch vụ điều trị, dẫn đến việc điều trị muộn và kết quả không được như mong muốn…

BS. Trần Trung Tá cho hay, để khắc phục những khó khăn đang gặp phải, thời gian tới, trung tâm sẽ mở nhiều lớp tập huấn, nâng cao chuyên môn cho nhân viên tại các phòng khám trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động bệnh nhân nhiễm HIV tham gia điều trị sớm khi có kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Tích cực vận động bệnh nhân tham gia thẻ bảo hiểm y tế để được nhiều quyền lợi trong khám, chữa bệnh nhiễm trùng cơ hội.

BẰNG GIANG

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.