Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cần chăm sóc dinh dưỡng tốt hơn cho trẻ em dân tộc thiểu số

PV - 17:29, 30/05/2022

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Việt Nam có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (SDD) và có nguy cơ bị tổn thương não và thể chất lâu dài. Trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo nhất có nguy cơ bị còi cọc cao gấp 3 lần so với trẻ em từ các hộ gia đình khá giả hơn, vùng Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc nơi có nhiều người dân tộc thiểu số (DTTS) là khu vực có tỉ lệ cao nhất.

Nhiều bà mẹ ở vùng DTTS chưa có kiến thức đầy đủ về chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ em (Ảnh minh họa)
Nhiều bà mẹ ở vùng DTTS chưa có kiến thức đầy đủ về chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ em (Ảnh minh họa)

Chưa quan tâm tới dinh dưỡng cho trẻ em

Hạng A Lử, bản Phá Thóng, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La năm nay 14 tuổi nhưng người gầy guộc, đen nhẻm, nặng chưa tới 30kg. Khi chúng tôi tới nhà, Lử cùng với 2 người em đang chuẩn bị bữa cơm tối. Chúng tôi vào bếp xem, chỉ thấy duy nhất một nồi cơm, không có thêm bất cứ loại thức ăn nào khác. Hỏi chuyện, tôi được biết, bố của Lử mất sớm, mẹ em là Giàng Thị Dung một mình nuôi 5 người con.

Lử kể: “Mẹ cháu đi làm thuê tại huyện Yên Châu mang theo 2 em nhỏ. Khoảng 2 tháng mẹ mới về nhà một lần. Ở nhà, 3 anh em tự trông nhau. Khi nào cháu bắt được cá hoặc nhái thì có thức ăn, còn không, 3 anh em chỉ ăn cơm trắng với muối hoặc canh rau rừng”.

Hoàn cảnh của anh em Lử không phải là hiếm gặp ở nhiều vùng DTTS mà tôi đã từng có dịp tới công tác. Một cán bộ Biên phòng nói với tôi rằng, đời sống của phần lớn người dân ở bản Phá Thóng rất khó khăn. Bản có 69 hộ người Mông thì có tới 59 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. Do đó, người dân mới chỉ nghĩ đến việc làm sao có đủ gạo ăn để no bụng chứ chưa nghĩ tới việc chuẩn bị bữa ăn đủ chất dinh dưỡng cho trẻ em. Đó cũng là nguyên nhân rất nhiều trẻ bị còi cọc, chậm phát triển về thể chất. Đây là tình trạng khá phổ biến ở các khu vực đồng bào DTTS sinh sống.

Một ví dụ khác cho thấy, người dân còn chưa quan tâm tới chế độ dinh dưỡng của trẻ. Trong một lần công tác tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một phụ nữ cho con ăn bữa trưa với một bát cháo trắng. Chị cho biết, cho con ăn cháo từ khi cháu được 6 tháng tuổi. Do điều kiện kinh tế khó khăn, nên chỉ thỉnh thoảng chị mới mua thịt nấu cháo cho con. Chị cũng không có tiền để mua sữa bột và các loại thức ăn khác cho con của mình.

Người mẹ này cho biết, ở đây, mọi người đều như thế, chủ yếu mới chăm được cho con no bụng mà chưa chú ý với việc đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho con. Nguyên nhân một phần kinh tế eo hẹp, một phần do thiếu thông tin, kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Cần đưa điều trị suy dinh dưỡng trẻ em vào luật

Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2017-2020 cho thấy, tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6% - mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng miền về tỷ lệ SDD thấp còi; ở các vùng nông thôn và miền núi, tỷ lệ này còn ở mức cao.

Trong khi đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đã được cải thiện, nhưng tình trạng thiếu kẽm vẫn còn cao. Trên cả nước, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi giảm xuống 58,0%, trong đó, tỉ lệ này ở miền núi phía Bắc là 67,7% và Tây Nguyên là 66,6%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi ở khu vực miền núi phía Bắc là 13,8% và Tây Nguyên 11,0% so với mức bình quân cả nước là 9,5%. Tỷ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi ở miền núi phía Bắc vẫn rất cao ở mức 23,4% và Tây Nguyên 26,3 %.

Còi cọc hoặc SDD mãn tính vẫn là lo ngại chính, vì Việt Nam là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng SDD cao nhất. Theo thông tin từ UNICEF, Việt Nam có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD và có nguy cơ bị tổn thương não và thể chất lâu dài. Ngoài ra, theo số liệu giám sát dinh dưỡng thường niên được thực hiện vào năm 2019, ước tính, có khoảng 230.000 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị SDD cấp tính nặng, nghĩa là trẻ quá gầy so với chiều cao dẫn đến hệ miễn dịch suy yếu, là dạng bệnh lý cấp tính, dễ nhận thấy và đe dọa tính mạng nhất.

Do mối liên hệ chặt chẽ giữa SDD cấp tính nặng, SDD thấp còi và tử vong, nên các can thiệp nhằm phòng ngừa và điều trị SDD cấp tính nặng sẽ góp phần giảm cả tỷ lệ tử vong và SDD thấp còi ở trẻ em. Việt Nam ưu tiên các chính sách dinh dưỡng và đã ban hành các nghị quyết và các chỉ thị nhằm giảm tỷ lệ trẻ SDD thấp còi và tăng cường công tác dinh dưỡng. Trong đó, phòng và điều trị SDD cấp tính nặng là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia.

“Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chính sách cũng như nguồn tài chính nào được xác định từ ngân sách Trung ương hoặc địa phương cho các can thiệp quản lý lồng ghép SDD cấp tính và hậu quả có tới 90% các trẻ bị SDD cấp tính nặng không được điều trị. Bây giờ là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh những nỗ lực hiện có bằng cách đưa việc khám và điều trị trẻ em SDD cấp tính nặng vào Luật Khám chữa bệnh sửa đổi” - Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết.

Vì SDD cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt được kê đơn theo hướng dẫn y tế, Việt Nam cần có một khung pháp lý cụ thể quy định việc điều trị SDD cấp tính nặng. Các luật liên quan đến sức khỏe đang được xem xét sửa đổi hiện nay cũng như trong tương lai gần - bao gồm Luật Khám chữa bệnh - là cơ hội duy nhất để tăng cường khả năng trẻ được tiếp cận điều trị SDD cấp tính nặng.

Để mở rộng can thiệp này trên phạm vi toàn quốc, cần có một cơ chế cấp kinh phí cho việc quản lý và điều trị trẻ em bị SDD cấp tính nặng. UNICEF cũng kêu gọi các quốc gia đưa việc điều trị trẻ SDD cấp tính vào bảo hiểm y tế và các ngân sách phát triển dài hạn để tất cả trẻ em có thể được hưởng lợi từ các chương trình điều trị./.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.