Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới

Vân Khánh - CĐ - 10:39, 03/11/2021

Hiện nay, nạn đói không chỉ dừng lại ở tình trạng thiếu lương thực mà còn là đói về dinh dưỡng. Đây là vấn đề cần được cấp ủy, chính quyền các địa phương và người dân nhận thức đầy đủ để triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” giai đoạn 2021-2025.

 Chương trình “Không còn nạn đói” hướng tới cải thiện dinh dưỡng từ bữa ăn cho người dân (Trong ảnh: Mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng được triển khai tại thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: TL)
Chương trình “Không còn nạn đói” hướng tới cải thiện dinh dưỡng từ bữa ăn cho người dân (Trong ảnh: Mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng được triển khai tại thôn Ra Manh, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi Ảnh: TL)

Nước ta đã đạt được kết quả rất ấn tượng trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Nhưng thực tế, kết quả giảm nghèo vẫn chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo; nhất là dưới tác động của thiên tai, dịch bệnh, tình trạng tái nghèo luôn thường trực, tập trung phần lớn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Đáng chú ý là, cùng với việc vẫn còn một bộ phận nhỏ dân cư thiếu đói về lương thực thì tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng đang được cảnh báo là “nạn đói tiềm ẩn”. Nạn đói này dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em cũng như tăng tỷ lệ tử vong sau sinh đối với phụ nữ mang thai.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, “nạn đói tiềm ẩn” chủ yếu xảy ra ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Vi chất dinh dưỡng được tạo ra trong cơ thể từ việc ăn uống, nhưng không có điều kiện kinh tế nên trong khẩu phần ăn của nhiều gia đình còn thiếu hụt.

Nhận định của bà Lâm, được minh chứng rõ nét ở kết quả thực hiện Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia, giai đoạn 2011 - 2020. Mặc dù, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em đã giảm từ mức trung bình (29,3% vào năm 2010) xuống mức thấp (dưới 20% vào năm 2020), nhưng vấn đề suy dinh dưỡng dai dẳng vẫn tồn tại ở Việt Nam, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng hay xảy ra thiên tai.

Chính vì vậy, khi triển khai Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025 theo Quyết định 712/QĐ-TTg ngày 12/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chú trọng xây dựng các mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng. Các mô hình ngoài góp phần thêm nguồn thu nhập cho người dân thì quan trọng nhất là hướng tới cải thiện dinh dưỡng từ bữa ăn.

Người dân biết tận dụng đất xung quanh nhà trồng rau để cải thiện chất lượng bữa ăn nằm trong nhóm mục tiêu của mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng (Ảnh minh họa)
Người dân biết tận dụng đất xung quanh nhà trồng rau để cải thiện chất lượng bữa ăn nằm trong nhóm mục tiêu của mô hình nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng (Ảnh minh họa)

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nước ta đã có thành tựu lớn về giảm nghèo, tuy nhiên tình trạng suy dinh dưỡng đang là vấn đề cần phải giải quyết. Với tiềm năng về sản xuất nông nghiệp cùng một hệ thống chính sách an sinh xã hội, nhất là các chính sách về giảm nghèo triển khai ở khu vực nông thôn, miền núi thì chúng ta cần đẩy lên một bước nữa về nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng.

“Đây là chương trình rất nhân văn, nó quan tâm ngay từ thể trạng - nền móng ban đầu của con người. Nếu giải quyết được điều đó, sau này không phải xử lý các vấn đề như trẻ em bệnh tật, chữa bệnh của bà mẹ và bớt đi gánh nặng về mặt kinh tế - xã hội”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với thách thức lớn từ thiên tai, dịch bệnh, Chương trình “Không còn nạn đói” sẽ giúp làm tốt hơn công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, để Chương trình sớm về đích, trước hết phải nâng cao hiểu biết của người dân về vấn đề dinh dưỡng. Mặt khác, Chương trình “Không còn nạn đói” không có kinh phí độc lập nên cần sự quan tâm hơn của chính quyền địa phương trong việc lồng ghép vốn.

“Kết thúc giai đoạn 1 vào cuối năm 2020, chúng tôi rà soát xong các cơ chế, chính sách; ra bộ hướng dẫn và hình thành ở các địa phương về khung cán bộ thực hiện. Giai đoạn 2021 – 2025, sau khi tiến hành tổng kết giai đoạn 1, Ban Chỉ đạo Chương trình đã triển khai giao nhiệm vụ mở rộng ra 28 địa phương”, ông Thịnh cho biết.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.