Xứ tầm vông miền Tây
Đi dọc tuyến đường từ thị trấn Tri Tôn đến khu du lịch Tức Dụp (xã An Tức), quan sát thấy vùng đất này có rất nhiều cây tầm vông. Rẽ vào con đường nhỏ chạy ra đồng, chỉ tay về phía vườn tầm vông vừa được trồng chừng hơn 1 năm tuổi, anh Chau Đara (ở ấp Tô Hạ, xã Núi Tô) nói: “Trước kia, chỗ này là vườn cây xoài với đào lộn hột nhưng người chủ đã phá bỏ để trồng thay thế cây tầm vông...”.
Được biết, cây tầm vông được người dân chọn trồng thay thế các loại cây kinh tế khác vì dễ trồng, sức chịu hạn tốt, thích hợp với vùng đất triền đồi, khô cằn của huyện Tri Tôn. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch tầm vông chỉ khoảng 3 năm và có thể thu hoạch kéo dài đến vài chục năm bằng việc chiết cây già bán. Theo tính toán, một công (1.000 m2) đất trồng 100 bụi tầm vông, nông dân có thể thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/năm, thu nhập cao hơn so với trồng lúa.
Bên cạnh nguồn thu từ thu hoạch thân tầm vông, người dân còn thu hoạch măng tầm vông để bán tại các chợ địa phương và bán cho khách du lịch.
Hiện nay, huyện Tri Tôn có trên 200 ha đất trồng tầm vông. Tầm vông được trồng nhiều nhất là các xã Lương Phi (70 ha), xã Ô Lâm, Cô Tô, An Tức, thị trấn Ba Chúc, mỗi địa phương có 20 - 30 ha.
Cải thiện đời sống nhờ nghề uốn tầm vông
Từ loại cây mọc hoang, chỉ dùng để làm vật liệu cất nhà, đến nay, người dân huyện Tri Tôn đã có thu nhập tốt hơn từ trồng cây tầm vông bán. Đặc biệt là xuất hiện nghề uốn tầm vông.
Đơn cử như anh Chau Đara đã quen với công việc uốn tầm vông từ nhiều năm nay. “Công việc này không khó mà cần siêng năng, tỉ mẩn. Tôi đã học nghề uốn tầm vông từ cha…”, anh Chau Đara cho biết.
Ở ấp Tô Hạ, nghề uốn tầm vông do ông Chau Rol (57 tuổi), cha của Chau Đara khởi xướng, sau đó các hộ lân cận làm theo. Lò uốn tầm vông của ông Chau Rol đã đỏ lửa từ mười mấy năm nay. Những cây tầm vông hình dáng ban đầu cong, xấu sẽ biến thành thẳng tắp, đẹp mắt nhờ cân chỉnh kỹ càng trước khi đưa ra thị trường.
Tầm vông được bán phục vụ nhu cầu ở các tỉnh chuyên nghề nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái, chế tác các loại đồ mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang…
Tại các lò uốn tầm vông trong huyện Tri Tôn, mỗi ngày thợ có tay nghề cao uốn được khoảng 200 cây. Với giá 1.500 đồng/cây, trung bình thợ uốn tầm vông sẽ có thu nhập từ 300.000 đồng. Còn thợ bình thường làm 100 - 150 cây thu nhập cũng từ 150.000 đồng đến trên 200.000 đồng. Với chủ lò, tùy theo kích thước, chất lượng tầm vông được uốn thẳng được bán với các giá khác nhau. Từ khoảng 20.000 đồng (loại 4) đến 55.000 đồng (loại 1)…
Theo ông Chau Rol, những tháng mùa nước nổi chính là thời điểm làm ăn khấm khá nhất của người làm nghề uốn tầm vông bán. Bởi thời điểm này, nhu cầu mua đòn tầm vông về làm đê kè chống lũ tăng cao. Trung bình mỗi ngày, lò của ông Chau Rol bán được hơn 1.000 cây tầm vông.
Đặc biệt, tại lò uốn tầm vông, hầu như không thứ nào bỏ đi. Lá và ngọn được người dân cắt phơi khô để làm củi. Tro than tầm vông được gom thành đống bán làm phân bón…