Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hỗ trợ đồng bào DTTS xây nhà, khai hoang, phục hóa, cải tạo đất

T.Hợp - 17:01, 24/02/2023

Ngày 23/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 04/2023/QĐ-TTg về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025.

Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, nhiều vùng đồng bào DTTS ở Quảng Ngãi được xây dựng khang trang. (Ảnh minh họa)
Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, nhiều vùng đồng bào DTTS ở Quảng Ngãi được xây dựng khang trang. (Ảnh minh họa)

Theo Quyết định này, các đối tượng áp dụng gồm: Các đối tượng thụ hưởng, triển khai các nội dung hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Dự án 1 của Chương trình; Các đối tượng thụ hưởng, triển khai đầu tư, xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung thuộc Dự án 1 của Chương trình; đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình; đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình.

Quyết định nêu rõ ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật đất ở hoặc để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép; hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ để xây dựng một căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng); hỗ trợ tối đa 22,5 triệu đồng/hộ để thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để giao đất có khả năng sản xuất.

Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ bình quân 3 tỷ đồng/công trình để đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung; 1,6 tỷ đồng/km để đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã chưa được cứng hóa; 4,4 tỷ đồng/chợ để đầu tư xây dựng mới và bình quân 800 triệu đồng/chợ để cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 4 triệu đồng/hộ để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật đất ở hoặc để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép; hỗ trợ tối thiểu 4 triệu đồng/hộ để xây dựng 1 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng).

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và bố trí từ ngân sách địa phương, các địa phương huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất; đầu tư, xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung; đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã; xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.

Về cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để triển khai thực hiện, trường hợp hỗ trợ theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư công.

Trường hợp hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và không theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện theo cơ chế đặc thù được cấp có thẩm quyền quyết định.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 chia thành 10 dự án thành phần với các tiểu dự án, trong đó:

Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Dự án hướng tới mục tiêu: Hộ đồng bào DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Phấn đấu đạt 90% hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức của địa phương được giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Góp phần đạt 90% hộ đồng bào DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tăng cường tạo việc làm, hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và địa bàn sinh sống.

Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.

Dự án gồm 2 tiểu dự án: Tiểu dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn; đầu tư đường đến trung tâm xã và cứng hóa đường đến trung tâm xã, liên xã, cụ thể: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.

Tiểu dự án Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc nhằm củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, năng lực đào tạo các trường dự bị đại học, trường PTDT nội trú; nâng cao chất lượng đào tạo hệ dự bị đại học cho học sinh DTTS để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học người DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.