Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cái giá phải trả cho sự thiếu ý thức bảo vệ nguồn nước

Mạnh Hà - 10:59, 05/06/2024

Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, tình trạng khan hiếm, thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất tại một số địa phương ở nước ta xuất hiện thường xuyên và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nguyên nhân được đưa ra một phần là do hậu quả từ biến đổi khí hậu, và một phần do người dân chưa có ý thức coi nước là tài nguyên hữu hạn, theo đó, sử dụng nước một cách bừa bãi, lãng phí. Đây thực sự là cái giá rất đắt phải trả cho sự thiếu ý thức bảo vệ nguồn nước.

Nhiều sông suối, ao hồ đã cạn kiệt giữa cao điểm mùa khô năm nay
Nhiều sông suối, ao hồ đã cạn kiệt giữa cao điểm mùa khô năm nay

Nguồn nước đang cạn kiệt nghiêm trọng ở nhiều nơi

Tây Nguyên là một trong những khu vực thiếu nước nghiêm trọng nhất trên cả nước nhiều năm qua. Đặc biệt, trong cao điểm mùa khô năm nay, lượng dòng chảy trên các sông đã thiếu hụt 20 - 60% so với trung bình nhiều năm. Một số hồ, suối đã cạn nước, gây ra khô hạn cục bộ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với công trình thủy lợi vừa và nhỏ.

Điển hình như tại Đắk Lắk, suốt nhiều tháng qua, hàng nghìn nông dân phải tìm mọi biện pháp tìm kiếm nguồn nước ngầm để cứu cây trồng (nhất là cà phê, sầu riêng, hồ tiêu và lúa). Bởi, nguồn nước mặt trong các sông, suối, ao hồ đã cạn kiệt giữa cao điểm mùa khô năm nay.

Tương tự, tại Đắk Nông, tình hình hạn hán kéo dài, từ đầu năm 2024 đến nay có thể được coi là đỉnh điểm trong nhiều năm gần đây. Trên toàn tỉnh Đắk Nông có hàng chục công trình thủy lợi, hồ chứa lâm vào tình trạng hết nước, cạn kiệt nguồn nước, tập trung nhiều ở các địa phương có diện tích cây công nghiệp lớn, được trồng tập trung như Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô… Thực trạng này khiến hơn 7.200 ha cây trồng bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới và hàng nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt…

“Chúng ta chưa xem nước là tài nguyên” dù vẫn nói là tài nguyên nước và cứ nghĩ nước là vô hạn".

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Trong khi đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ đầu tháng 3 tới nay, người dân nhiều địa phương khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt. Chưa kể, tình trạng xâm ngập mặn ngày một nhiều khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo đó, có khoảng gần 73.900 hộ dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu tập trung ở các tỉnh ven biển như Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Tình trạng thiếu nước gia tăng khi mùa nắng nóng ở Đồng bằng sông Cửu Long kéo dài trong những tháng qua…

Những dẫn chứng điển hình trên cho thấy nhiều khu vực ở nước ta đang đối diện với tình trạng thiếu nguồn nước đặc biệt nghiêm trọng cả trong sinh hoạt lẫn phục vụ sản xuất.

Cần giáo dục ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước từ nhỏ

Tạm gác nguyên nhân từ biến đổi khí hậu, thực tế cho thấy, từ trước đến nay, tình trạng người dân cả nước (chứ không riêng gì khu vực Tây Nguyên hay Đồng bằng Sông Cửu Long) sử dụng nước vô tội vạ trong sinh hoạt và sản xuất là nguyên nhân chính dẫn tới việc suy kiệt nguồn nước bề mặt cũng như nguồn nước ngầm.

Đa số người dân vẫn mặc định suy nghĩ rằng, nước là vô tận. Đây là suy nghĩ đặc biệt sai lầm, nếu không thay đổi sẽ phải trả giá vô cùng đắt, hậu quả không chỉ nhìn thấy trước mắt mà những thế hệ tương lai của đất nước sẽ phải gánh chịu khi thế hệ đi trước sử dụng, tàn phá cạn kiệt nguồn tài nguyên vô giá này

Người dân sử dụng nước tưới ồ ạt, trong khi các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng phương án tưới nhỏ giọt
Người dân sử dụng nước tưới ồ ạt, trong khi các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng phương án tưới nhỏ giọt

Sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đòi hỏi sử dụng nguồn nước rất lớn ở nước ta. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc người dân sử dụng nước bừa bãi, thiếu ý thức. Điển hình nhìn từ việc những rẫy cà phê, hồ tiêu, hoa màu…  người dân sử dụng nước tưới ồ ạt, trong khi các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng phương án tưới nhỏ giọt, tính toán tiết kiệm chi li tới từng giọt nước mới thấy sự lãng phí nguồn nước lớn như thế nào?

Tương tự, trong sinh hoạt hằng ngày, nước ngọt cũng được sử dụng tràn lan. Đây cũng là nguyên nhân gây sụt giảm nguồn nước ngầm đặc biệt nghiêm trọng. Cũng bởi vậy, ngày 04/6/2024, tại nghị trường Quốc hội, trả lời một số nội dung đại biểu chất vấn liên quan đến hồ chứa nước và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu thực tế: “Chúng ta chưa xem nước là tài nguyên” dù vẫn nói là tài nguyên nước và cứ nghĩ nước là vô hạn.

Đó thực sự là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, nếu không có giải pháp hữu hiệu, chắc chắn việc trả giá đắt khi nguồn tài nguyên nước bị cạn kiệt chỉ là vấn đề thời gian. Do đó, điều quan trọng là cần phải thay đổi tư duy nhận thức và ý thức sử dụng tài nguyên nước của mỗi người dân. Mà để làm được điều đó, việc giáo dục nội dung “nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước” cần được triển khai cho mỗi công dân ngay từ khi còn nhỏ.


Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.