Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Công tác Dân tộc - Chính sách dân tộc

Cái chữ của thầy Vương ở làng Công Tơ Rang

Trần Cao Anh - 14:40, 05/11/2022

Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các em học sinh DTTS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tạo điều kiện đi học nội trú và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đã trở thành tri thức trẻ, trở về phục vụ trên chính quê hương mình. Thầy Hồ Văn Vương (SN 1969), người Bhnoong (thuộc dân tộc Gié Triêng) ở làng Công Tơ Rang, xã Phước Công, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) là một điển hình như vậy.

Thầy giáo Hồ Văn Vương giảng bài cho các em học sinh học trên lớp.
Thầy giáo Hồ Văn Vương trên bục giảng.

Khát vọng học chữ

Là người Bhnoong, lớn lên trong cảnh làng nghèo đói, những hủ tục lạc hậu đeo bám khiến tâm hồn cậu bé Hồ Văn Vương luôn bị ám ảnh trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Những năm 70- 80 của thế kỷ trước, áp lực đói nghèo, hủ tục khiến người Bhnong vùng cao Phước Sơn đa phần đều mù chữ, những người bạn tầm tuổi Hồ Văn Vương hầu hết phải bỏ lớp khi chưa học hết bậc tiểu học. Vốn là cậu bé sáng dạ, sự kỳ diệu của con chữ từ các buổi học trong những căn nhà tạm bợ cách nhà 5 cây số đường đèo vẫn hấp dẫn với Vương. Vượt đói khổ, Vương vẫn đều đặn đến lớp.

Bước vào tuổi 16, Hồ Văn Vương may mắn được về Hội An học Trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh. Vương có thêm bạn bè, được ăn uống đầy đủ hơn nhưng em vẫn không quên được quê nhà, nhất là cảnh đói khổ, thất học của trẻ em vùng cao Phước Sơn. Vương nghĩ, phải bằng mọi cách để đem cái chữ về cho dân mình thôi! Thế là, mùa hè năm lớp 11, Vương đến gặp thầy Hiệu trưởng xin thầy được về dạy mù chữ cho dân làng. Vương còn “cẩn thận” nhờ thầy thảo cho mình một tờ công văn gửi về xã được mở lớp xóa mù.

Hành trình đi tìm con chữ của các em học sinh Bhnoong, huyện vùng cao Phước Sơn rất nhiều gian nan, vất vả.
Hành trình đi tìm con chữ của các em học sinh Bhnoong, huyện vùng cao Phước Sơn rất nhiều gian nan, vất vả.

Nhưng mọi việc không đơn giản bởi đi đến đâu Hồ Văn Vương cũng gặp toàn những cái lắc đầu. Thất vọng nhưng vẫn không bỏ cuộc, ban ngày Vương theo cha mẹ lên nương rẫy, lúc rỗi lại kê sách vở vào đầu gối soạn giáo án. Tối đến, Hồ Văn Vương lại đến các gia đình để tỉ tê nói chuyện. Hồ Văn Vương nói về sự nghèo khó, rồi lấy chuyện xóa đói, giảm nghèo ở khắp mọi miền đất nước kể lại cho dân bản nghe, rồi đem chuyện lợi ích của cái chữ ra để thuyết phục bà con. Cuối cùng đã có người đồng ý theo Vương đến lớp. Vì dân làng ở phân tán và phải làm lụng công việc nương rẫy suốt ngày nên Vương chọn điểm trung tâm mở lớp, còn mình sẵn sàng lội bộ cả chục cây số để đến với lớp học, lịch học được tổ chức từ 20- 22 giờ.

Với cuốn giáo án hơn 50 bài tự soạn gồm hai nội dung dạy chữ cái, ghép chữ và viết thành câu văn ngắn, Hồ Văn Vương đến lớp với một vài học viên ở buổi ban đầu. Bên ánh đèn dầu không đủ sáng, tiếng thước gõ vào bảng nhịp nhàng, những giọng đọc bỡ ngỡ lại vang lên, vọng khắp bản làng. Nhiều người tò mò đến xem thì được Vương cho sách, bút mời vào, thế rồi họ bị cuốn hút theo lớp học lúc nào không hay. Mùa hè năm ấy đã có 20 người tuổi từ 15-40 tới lớp học chữ, tất cả đều đọc thông viết thạo. Sau đó, mỗi kỳ nghỉ hè, Vương về lại với lớp học của mình, mang quà là sách vở xin được ở trường nội trú cho học viên. Lớp học bên vách núi lại rộn tiếng đọc bài.

Trẻ em người Bhnoong bản Đắk Tôn, huyện vùng cao Phước Sơn
Trẻ em người Bhnoong bản Đắk Tôn, huyện vùng cao Phước Sơn

Gieo chữ trên quê hương

Tốt nghiệp PTTH, Hồ Văn Vương được đi đào tạo tại Trường Trung cấp sư phạm (hệ 12+2) của tỉnh. Đầu năm 1992, thầy Vương tốt nghiệp ra trường, được phân công về công tác tại Trường bán trú Tiểu học xã Phước Công (nay là Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS xã Phước Công). Sau đó, thầy xung phong lên điểm trường thôn 2, xã Phước Công để cắm bản dạy chữ.

Những ngày đầu bước vào nghề giáo, cuộc sống của thầy Vương cũng như những giáo viên khác nơi đây gặp vô vàn khó khăn, với giáo viên dạy tại các điểm trường còn khó khăn gấp bội. Tuy nhiên, khi đã gắn bó với các học trò vùng cao, thầy Vương càng hiểu trách nhiệm cao cả của người thầy đối với việc dạy chữ cho các em. Vì vậy, ngoài giờ lên lớp cần mẫn dạy chữ, thầy Vương còn đến từng nhà các học trò để gặp phụ huynh tỉ tê chuyện trò, động viên các bố mẹ tạo điều kiện cho con em mình đến lớp đều đặn.

 Bữa ăn trưa của các em học sinh Bhnong, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS xã vùng cao Phước Lộc
Bữa ăn trưa của các em học sinh Bhnong, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS xã vùng cao Phước Lộc (ảnh minh họa)

Ở trường, thầy Vương coi các em như chính con ruột của mình. Thầy chăm lo, quan tâm, chăm sóc tận tình từ những việc nhỏ nhất như: Cắt tóc, vệ sinh cá nhân đến những bữa cơm hàng ngày, chỗ ăn, ngủ, chỗ học hành. “Mình dạy ở điểm trường lẻ với 3 lớp học nhưng chỉ có 2 thầy giáo. Một người dạy 2 lớp tiểu học phổ thông, người còn lại dạy 1 lớp phổ thông thì tối đến dạy thêm 1 lớp xóa mù chữ. Thiếu thốn, vất vả nhưng nhiều kỷ niệm vui”, thầy Vương chia sẻ.

Những buổi tối nơi vùng cao sơn cước, nhiều cụ già đã ở độ tuổi 60-70 vẫn đều đặn đến lớp học xoá mù chữ của thầy Vương. Nhiều “học sinh" của thầy Vương lại chính là phụ huynh các học trò ban ngày tại điểm trường. Điều đó càng tạo thuận lợi hơn cho thầy khi động viên cả phụ huynh lẫn học trò kiên trì theo đuổi con chữ để mở mang kiến thức.

Sau gần 25 năm cắm bản, thầy Hồ Văn Vương được điều chuyển về trường chính để công tác. Nhưng đến năm học 2017-2018, thầy lại xin Ban Giám hiệu tạo điều kiện cho quay về điểm trường cũ. Khi biết tin thầy Vương xin trở lại nơi khó khăn để gieo chữ, nhiều đồng nghiệp rất ngạc nhiên, thắc mắc “Người ta ai cũng muốn xin chuyển ra vùng ngoài để dạy học, sao thầy lại xin trở lại nơi cũ khó khăn như vậy?". Nhưng thầy Vương có những lý do chính đáng của mình: “Gắn bó với học sinh ở điểm trường thôn 4 đã lâu, tôi thực sự không muốn rời xa các em. Tôi muốn đem kiến thức, con chữ của mình đến với học sinh, với bà con dân bản để sau này bà con có thể biết đọc, biết viết, dùng con chữ phục vụ cho cuộc sống thường nhật cũng như trong các thủ tục hành chính”.

Giờ học của các em học sinh tại một trường bán trú ở huyện vùng cao Phước Sơn
Giờ học của các em học sinh tiểu học tại một trường bán trú ở huyện vùng cao Phước Sơn

Hôm nay, cái chữ đã về với làng Công Tơ Rang và các chương trình phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng nhanh chóng đến với người dân. Bây giờ, cán bộ thôn, xã, huyện không còn phải mất nhiều thời gian để triển khai các văn bản, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Bhnong ở làng Công Tơ Rang, bởi bà con đã có cái chữ của thầy Vương trong đầu nên hiểu nhanh, thông tư tưởng sớm.  

 

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa

Chiều 16/12, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.