Tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp hướng tới tự chủ tài chính của các trường cao đẳng, trung cấp công lập trên địa bàn TP.HCM” do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức sáng 10/11, đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho rằng việc thực hiện tự chủ tài chính hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Các trường cần được tự chủ đúng nghĩa để có được cơ chế hoạt động phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo ổn định nguồn tuyển sinh.
|
TP HCM hiện có 392 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. (ảnh: Suleco) |
TP.HCM hiện có 392 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 52 trường cao đẳng, trung cấp công lập.
Từ năm 2006 đến nay, nhiều trường cao đẳng, trung cấp công lập tại thành phố đã tiến hành xây dựng đề án tự chủ một phần theo Nghị định số 43 của Chính phủ.
Sau 10 năm triển khai chủ trương này đã thể hiện nhiều bất cập về tính tự chủ trong tổ chức bộ máy, nhân sự, quản lý và sử dụng tài sản, phân phối kết quả tài chính…
Theo nhiều đại biểu, khó khăn lớn nhất mà các trường cao đẳng, trung cấp công lập tại TP.HCM đang gặp phải trong việc thực hiện tự chủ tài chính là không được tự chủ hoàn toàn về nhân sự hay chương trình đào tạo.
Sự nhập nhằng trong quản lý nhà nước và quản lý sở hữu cũng đang bó buộc các trường trong việc quyết định hướng hoạt động, chương trình phát triển.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các trường đại học đang đẩy hệ thống trường cao đẳng, trung cấp vào thế khó khi tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Khó tuyển sinh, thiếu sáng tạo, thiếu trách nhiệm dẫn đến không cải tiến chất lượng là vòng lẩn quẩn khiến nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Do vậy, các trường cao đẳng, trung cấp đang mong chờ một cơ chế giao quyền tự chủ tài chính phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, vấn đề quy định mức khung học phí, chế độ miễn giảm học phí, học bổng cũng cần được tính toán để các trường thu đủ bù chi.
Ngoài ra, các trường cần được hỗ trợ bước đầu về cơ sở vật chất để đủ tiêu chuẩn triển khai tự chủ tài chính hoàn toàn vào năm 2020. Nhưng trước mắt, các trường cần những hướng dẫn cụ thể để hoạch định lộ trình tự chủ.
Bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương đề xuất: “Phải có hướng dẫn cụ thể về các bước thực hiện tự chủ và có một buổi tập huấn riêng về viết đề án tự chủ cho các trường. Tất nhiên không thể có mẫu chung về tự chủ phù hợp cho tất cả các trường nhưng đó sẽ là bước hướng dẫn cho các trường. Giờ chúng tôi viết đề án tự chủ thì phải bắt đầu mọi thứ như thế nào để hoàn thành được đề án.”./.
Theo vov.vn