Xóa tư tưởng “ngại” đi họp
Các huyện 30a ở Nghệ An phân bố ở vùng miền Tây, điều kiện đi lại rất khó khăn. Từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã, có nơi phải vượt hàng trăm km. Ngày nắng thì bụi bẩn, ngày mưa lầy lội, thậm chí không thể đi lại do nước lũ chia cắt. Dẫu không nói ra nhưng trong tư tưởng một số lãnh đạo địa phương, rất “ngại” đi họp… chỉ vì đường sá xa xôi.
Nhưng nay, không còn cảnh cán bộ xã lặn lội gần trăm cây số, điều khiển xe máy hơn 3 tiếng đồng hồ ra thị trấn dự họp. Tất cả là nhờ huyện đã triển khai "phủ sóng" hệ thống giao ban trực tuyến đến 100% các xã. Ông Lương Văn Ngam, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn cho biết: Nói chi thì nói, giờ chúng tôi khỏe hơn nhiều. Không phải mất thời gian đi lại, đỡ tốn kém hơn so với trước đây. Trước khi họp, chỉ cần kiểm tra máy tính, kết nối mạng internet là xong.
Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe thông tin: hệ thống giao ban trực tuyến đã được Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo triển khai từ năm 2018. Nhưng do điều kiện về địa hình, cơ sở vật chất các xã còn khó khăn nên đến tháng 1/2021 hệ thống mới chính thức hoàn chỉnh ở 21 xã, thị trấn, tạo điều kiện cho cán bộ các xã tiếp nhận thông tin cấp trên, hội họp thuận tiện hơn, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính.
Tại các cuộc họp trực tuyến, ngoài lãnh đạo các xã, thị trấn thì các cán bộ, công chức của các xã, cán bộ thôn, bản cũng được tham gia họp, trao đổi, tiếp thu trực tiếp những chỉ đạo của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện. Thực tế cho thấy, nhiều cuộc họp ở xã, bản đã được cắt giảm nhờ có hệ thống giao ban trực tuyến kết nối từ huyện đến các xã. Thậm chí, nhiều cuộc họp cần triển khai nhanh nhưng thời gian gấp, cũng đều được tổ chức dễ dàng thông qua họp trực tuyến.
Theo bà Lương Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, trước đây, cán bộ xã phải về dự họp ở trung tâm huyện, sau đó xã triệu tập cán bộ xóm, bản truyền đạt lại, từ đó cán bộ thôn, bản lại triển khai tiếp xuống các cụm dân cư và người dân. Nhưng nay khi có chính sách mới cần triển khai, cán bộ thôn, bản được mời cùng dự họp và nghe trực tiếp lãnh đạo huyện truyền đạt. Nhờ vậy, những băn khoăn, thắc mắc từ cơ sở được lãnh đạo huyện lắng nghe và trao đổi trực tiếp. Vừa giảm áp lực họp hành cho cán bộ cơ sở, vừa tăng hiệu quả công tác.
Tiếp tục cải cách hành chính
Song song với việc duy trì hiệu quả tích cực của hệ thống giao ban trực tuyến, các huyện cũng đã đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục về giấy tờ cá nhân, hộ khẩu, hộ tịch… tại các địa phương thực hiện sáp nhập.
Tại các xã, sau khi hoàn thành việc sáp nhập các xóm bản, địa phương đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về cải cách hành chính. Cụ thể, đã có nhiều kế hoạch về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng quy chế làm việc tại bộ phận một cửa, kiện toàn các vị trí làm việc tại đây một cách phù hợp gắn với đầu tư trang thiết bị đồng bộ, lắp camera giám sát các hoạt động và an ninh an toàn.
Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong thông tin: Những yêu cầu về công tác cải cách hành chính luôn được tuyên truyền đến cán bộ, Nhân dân thông qua các cuộc họp ở thôn, bản. Người dân đã nắm được lịch làm việc cũng như các quy định về thủ tục hành chính của UBND xã, giảm giảm bớt thời gian đi lại của người dân.
Các huyện 30a của Nghệ An cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra về kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan cấp huyện và các xã. Nhờ vậy, việc cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông có sự chuyển biến tích cực, rõ nét hơn. Các thủ tục hành chính đơn giản hóa về mặt thời gian giải quyết đạt tỷ lệ cao. Ông Nguyễn Quốc Lâm, Trưởng phòng Nội vụ huyện Quế Phong xác nhận: “Ngoài ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính cho các đơn vị sau sáp nhập, huyện còn đẩy mạnh thực hiện việc hiện đại hóa nền hành chính công. Cụ thể là khai thác, sử dụng hệ thống Văn phòng điện tử đồng bộ, đồng thời đưa vào vận hành hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến từ huyện đến xã, qua đó việc trao đổi thông tin được nhanh chóng hơn so với trước đây, và hiệu quả hơn”.