Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Các HTX ứng dụng công nghệ số mở rộng thị trường trong đại dịch

Thúy Hồng - 12:16, 28/07/2021

Với sự phát triển về công nghệ thông tin mạnh mẽ như hiện nay, hình thức mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh, việc chọn quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ, kết nối đầu ra… thông qua website, mạng xã hội mang đến cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực xây dựng nền kinh tế số.


Nhiều HTX đẩy mạnh phát triển thị trường qua Facebook, Zalo và các sàn thương mại điện tử
Nhiều HTX đẩy mạnh phát triển thị trường qua Facebook, Zalo và các sàn thương mại điện tử

Tiếp cận khách hàng bằng công nghệ số

Thời gian qua, nhiều HTX đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin về nông sản qua Facebook, Zalo và đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử... Đây là tín hiệu vui thể hiện sự bắt nhịp thị trường của các HTX trong thời đại công nghệ số.

Đơn cử như HTX Rau củ quả sạch Gia Cát, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), trong những năm qua, HTX này luôn tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng rau VietGAP nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX Gia Cát đã tham gia vào chuỗi giá trị cung cấp các loại rau quả, bảo đảm an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh; HTX còn mở rộng kinh doanh thông qua thị trường công nghệ. 

Nhờ đó, doanh thu của HTX ngày càng tăng lên. Nếu như năm 2019, doanh thu của HTX chỉ đạt hơn 100 triệu đồng thì năm 2020 đã lên đến trên 500 triệu đồng. HTX cũng đã đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP để nâng cao giá trị và thương hiệu trên thị trường.

Theo anh Hoàng Văn Thuận, Giám đốc HTX Gia Cát, trước đây, các sản phẩm của HTX sau khi được thu hoạch, thường phải vận chuyển đến các chợ đầu mối để tìm người thu mua. Nhưng hiện nay, thành viên đã chụp ảnh sản phẩm đăng lên Zalo, Facebook để quảng cáo. 

Nhờ đó, khách hàng có thể nắm được các sản phẩm hiện có tại HTX. Cùng với đó, sản phẩm được nhiều người biết đến, lượng khách đặt hàng tăng nhanh qua các tháng.

“Qua các trang mạng xã hội của thành viên, khách hàng có thể đặt hàng và được HTX giao hàng tận nơi. Đây là cách giúp mang rau quả an toàn đến tận tay người tiêu dùng, tạo niềm tin và hình thành nên thói quen sử dụng rau sạch” anh Thuận nói.

Việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, thông qua nền tảng công nghệ số không chỉ được mở rộng bởi các thành viên HTX mà hiện nay nhiều địa phương đã hỗ trợ người dân cũng như các HTX xây dựng, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế (Bắc Giang) chuyên nuôi, chế biến các sản phẩm gà đồi. 

Đầu tháng 5 vừa qua, nhận thấy thị trường tiêu thụ có khả năng bị thu hẹp do nhiều địa phương thực hiện giãn cách, cách ly xã hội; lượng khách hàng bị giảm, HTX quyết định tìm kiếm, đưa sản phẩm lên một số trang thương mại điện tử như: vỏ sò, Alibaba… Nhờ đó, dù chịu ảnh hưởng bợi dịch bệnh nhưng sản lượng tiêu thụ của HTX trong tháng 5 và 6 đều tăng. Cụ thể, hai tháng gần đây, HTX xuất bán trung bình hơn 2 tấn gà thịt cùng 5 tạ giò, chả/tháng, cao gấp đôi thời điểm trước khi có dịch.

Theo Nghiên cứu của Liên minh HTX Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại 174 HTX ở 24 tỉnh thành phố và 34 Liên minh HTX tỉnh, thành phố ghi nhận, 76,8% số HTX tham gia khảo sát đã áp dụng số hóa để trao đổi thông tin và ra quyết định tập thể; 47,4% HTX thay đổi phương thức kinh doanh như, chuyển đổi hình thức bán hàng truyền thống sang online kết hợp giao hàng tận nơi; 37,4% HTX sử dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tuyên truyền tư vấn chuyện môn, chính sách…

Thông qua nền tảng số các HTX và người nông dân ở vùng DTTS, vùng sâu xa vẫn có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng để giới thiệu, quảng bá cá sản phẩm
Thông qua nền tảng số các HTX và nông dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa vẫn có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng để giới thiệu, quảng bá cá sản phẩm

Cần có chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật

Có thể nhận thấy, vai trò của thương mại điện tử trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là ở vùng DTTS và miền núi, sẽ dễ dàng giúp người dân và các HTX giới thiệu và kết nối sản phẩm của tới khách hàng một cách tiện lợi, dễ dàng. Việc ứng dụng công nghệ số trong việc giới thiệu, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm đã được nhiều HTX nông nghiệp và nhiều hộ dân ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế. 

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc chắn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có khoảng 20% số HTX có website giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ và khoảng 40% HTX ứng dụng thương mại điện tử phục vụ hoạt động mua bán sản phẩm.

Việc ứng dụng công nghệ số trong việc phát triển thị trường ngày càng được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế
Ứng dụng công nghệ số để phát triển thị trường ngày càng được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế

Anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quang Duy, thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc (Yên Thế, Bắc Giang) cho biết: “Hiện chúng tôi đang tìm hiểu, khảo sát việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, song cũng gặp khó bởi chi phí cho hoạt động này lớn. Trong khi đó, thành viên HTX vẫn chủ yếu làm việc theo phương thức truyền thống, việc tiếp nhận công nghệ mới, nền tảng kỹ thuật số khiến họ phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu".

Rõ ràng việc phát triển thị trường trên nền tảng số đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, hiện thương mại điện tử vẫn còn rất sơ khai. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ nhân sự quản lý HTX còn hạn chế, chưa có nhân sự chuyên sâu về xúc tiến các hoạt động thương mại điện tử, nguồn lực về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc chưa đảm bảo.

Để phát huy hết vai trò của thị trường công nghệ số, cần phải có giải pháp đồng bộ từ chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động thương mại điện tử cho các HTX một cách phù hợp và thiết thực. Các ngành chức năng cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và sản xuất đào tạo nhân lực mới có thể giúp người nông dân, HTX bắt kịp thị trường công nghệ số hiện nay.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.