Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Các điệu múa dân gian của người Khơ Mú

Th.s Vũ Phương Nam - 05:14, 19/07/2024

Múa dân gian là một trong những nét sinh hoạt văn hóa vô cùng đặc sắc của người Khơ Mú tại tỉnh Yên Bái. Những điệu múa dân gian được sáng tạo từ thực tiễn hoạt động đời sống xã hội, trong giao tiếp và sự tiếp biến văn hóa của cộng đồng, thể hiện đậm nét bản sắc dân tộc, chứa đựng những khát vọng, mong ước của đồng bào dân tộc Khơ Mú.

Đồng bào Khơ Mú tái hiện điệu múa chọc lỗ tra hạt
Đồng bào Khơ Mú tái hiện điệu múa chọc lỗ tra hạt

Người Khơ Mú tại Văn Chấn có hai thể loại múa dân gian chính, đó là múa lao động sản xuất và múa sinh hoạt. Ở thể loại mô phỏng các hoạt động lao động sản xuất, những điệu múa sẽ diễn tả từ quy trình chuẩn bị cho đến kết thúc một vụ mùa, bắt đầu là múa cầu mưa. Trong múa cầu mưa, già bản sẽ đánh một hồi trống để tập hợp bà con, sau đó mỗi người một công việc, người giã gạo bằng tay, bằng chân, người gõ trống, chiêng để tạo tiếng sấm sét. Người múa sẽ múa rừu (thần sét), múa thuồng luồng (con thuồng luồng được làm từ cây chuối hoặc cây cau, phần gốc vẽ hình đầu con thuồng luồng, phần ngọn để lại một cái lá để làm đuôi).

Khi múa, người múa vác thuồng luồng trên vai và nhảy múa, theo sau có một đám người cầm que hò hét vui vẻ, người thì chuẩn bị ống nước để vẩy nước vào đám đông giả làm mưa... Bà con tin rằng, tất cả những hành động đó đều chọc giận thần sấm, thần sét, khiến thần nổi giận mà tạo ra mưa. Khi mưa được ban xuống, mọi người cùng tham gia những điệu múa diễn trình theo vụ mùa, gồm: múa chọc lỗ, múa tra hạt, múa đuổi chim, múa gặt lúa, múa rừu, múa thuồng luồng…

Với những giá trị tiêu biểu, múa dân gian của người Khơ Mú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 828/QĐ-BVHTTDL ngày 09/3/2021.

Khi múa chọc lỗ tra hạt, nam - nữ dàn hàng đối diện, vừa đi vừa nhún nhảy. Nam vừa chọc lỗ vừa lùi, nữ vừa tra hạt giống vừa tiến, chân gạt nhẹ lấp đất. Đàn ông khỏe mạnh đi trước, vừa nhún nhẩy, vừa vung gậy chọc lỗ. Hoặc cũng có khi dàn hàng song song, nam đi trước nữ đi sau, đội hình di chuyển về phía trước theo hình tròn đồng tâm ngược chiều kim đồng hồ. Những động tác múa nhịp nhàng uyển chuyển, hài hòa, hòa quyện trong âm thanh rộn ràng, vui tươi như đánh thức đất trời, khích lệ mọi người tham gia lao động.

Múa đuổi chim có tiết tấu nhanh, tính chất mạnh mẽ, sôi động, cả nam và nữ cùng múa, khi thì đội hình theo vòng tròn, khi thì hàng ngang. Đạo cụ gồm: Nam tay phải cầm ống nứa, tay trái cầm chiếc que nhỏ. Chân trái bước về phía trước một bước nhỏ, hai tay đưa ngang hông đằng sau lưng và gõ vào nhau một cái. Chân phải đưa về đằng trước, nhấc khỏi mặt đất, đầu gối vuông góc, hai tay đưa vào dưới kheo chân phải và gõ một cái. Tiếp theo, chân phải dậm xuống đất nhảy lên một cái, đồng thời co chân trái vuông góc như chân phải, hai tay đưa lên cao xế hướng hai bên, khi hất tay lên cao (như xua đuổi chim) thì hô từ “hây”.

Múa gặt lúa được thực hiện với ý nghĩa thu hái một mùa vàng bội thu. Những động tác chân nhịp nhàng, kết hợp tay miết vòng cắt lúa, thân uốn mềm uyển chuyển theo từng nhịp nhạc sôi động, tạo nên khí thế vui tươi phấn khởi cho một năm đầy no đủ của bản làng.

Điệu múa mừng cơm mới trong Lễ hội cầu mùa của người Khơ Mú
Điệu múa mừng cơm mới trong Lễ hội cầu mùa của người Khơ Mú

Ngoài những điệu múa với tính chất lao động sản xuất do cả nam và nữ cùng thể hiện thì còn có thể loại múa sinh hoạt chỉ do nữ thực hiện. Những điệu múa sinh hoạt này có thể múa tay không, có thể múa với đạo cụ, một tay cầm đao, tay kia cầm khăn, lắc hông làm chủ đạo.

Múa lắc hông được trình diễn trong tất cả các dịp lễ, hội và những ngày vui của bản làng. Trong trang phục áo cỏm, những bước nhún, lắc hông uyển chuyển càng thêm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Múa lắc hông có nhiều động tác, các động tác này gồm có múa tầm đao và nhóm động tác múa cá lượn (cá bơi, cá quẫy, cá lượn, cá lặn, cá đớp mồi..).

Với những giá trị tiêu biểu, múa dân gian của người Khơ Mú được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 828/QĐ-BVHTTDL ngày 09/3/2021. Những năm qua, công tác bảo tồn, lưu giữ, phát triển các di sản múa nói chung, nghệ thuật dân vũ nói riêng của người Khơ Mú được lãnh đạo các cấp tỉnh Yên Bái quan tâm chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thuận lợi để những giá trị tinh thần của đồng bào Khơ Mú phát triển rộng rãi trong Nhân dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cũng như phát triển kinh tế - xã hội. 

Tin cùng chuyên mục
Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Cao Bằng đang đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, tạo động lực thúc đẩy kinh tế số.