Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vui Tết Gơ rơ với đồng bào Khơ Mú

Đào Thọ - 19:25, 10/01/2021

Mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền Tây xứ Nghệ đều có một cái tết riêng. Nếu như người Mông vui đón Tết từ những ngày cuối tháng 10 (âm lịch) thì người Khơ Mú lại tổ chức Tết Gơ rơ vào cuối tháng 11 với nhiều nét riêng biệt, độc đáo.

Đồng bào Khơ Mú uống rượu cần trong ngày Tết Gơ rơ
Đồng bào Khơ Mú uống rượu cần trong ngày Tết Gơ rơ

Bắt đầu vào những ngày cuối tháng 11, khắp các bản làng người Khơ Mú, nhà nhà đều lo sắm sửa bình rượu cần để chuẩn bị vui Xuân đón Tết Gơ rơ. Theo quan niệm của các già làng, rượu cần là thức uống quan trọng để thể hiện năm vừa qua, gia chủ làm ăn có phát đạt hay không. Do vậy, dù khó khăn đến đâu, đến ngày Tết trong nhà người Khơ Mú cũng có từ 5 - 7 bình rượu cần. Rượu cần được làm từ những hạt lúa nếp hông (đồ) lên trộn với trấu và men lá rừng, khi rượu lên hương ngào ngạt khắp căn phòng nhỏ báo hiệu 1 cái Tết vui vầy sắp đến.

Chúng tôi về nhà ông Xeo Hòa Tiến ở bản Na Bè (xã Xã Lượng, huyện Tương Dương) vào một ngày cuối tháng 11 khi gia đình ông đang chuẩn bị đón Tết Gơ rơ. Mới sáng sớm, sương mù còn phủ trên khắp núi rừng gia đình ông đã dậy chuẩn bị cho ngày Tết. Ông bảo, cứ thời gian cuối tháng, nhà nào muốn tổ chức thì chọn ngày để ăn Tết. Tết Gơ rơ cũng chỉ kéo dài trong 1 buổi hoặc 1 ngày, tùy vào số rượu cần mà gia chủ chuẩn bị được. Đơn giản vậy thôi nhưng đối với người Khơ Mú đó là một ngày lễ quan trọng để con cháu nhớ ơn ông bà, tổ tiên và thần linh núi rừng.

Mâm cơm cúng tổ tiên.
Mâm cơm cúng tổ tiên.

Những món ăn được chuẩn bị cho ngày vui rất đơn giản nhưng công đoạn cũng không kém phần cầu kỳ. Ngay từ chiều hôm trước, ông Xeo Hòa Tiến đã lấy về hơn 1 yến cá tươi để làm món moọc. Đây là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết của người Khơ Mú. Ngoài ra còn phải có bí đỏ và sắn được hông (đồ) lên. Theo gia chủ, mâm cơm dâng lên bề trên nhất thiết phải có 2 thứ này để cầu mong sự may mắn trong cả 1 năm. Những gia đình nào khá giả có thể chuẩn bị thêm cá nướng.

Khoảng hơn 8 giờ sáng, phụ nữ trong nhà mang rượu cần và gà sống lên căn bếp thiêng - nơi trú ngụ của tổ tiên người Khơ Mú để bắt đầu buổi lễ. Ông Xeo Hòa Tiến lấy rượu cần đầu tiên để dâng lên tổ tiên mình. Theo ông, điều này để thể hiện sự kính trọng đối với các bậc sinh thành và thần linh núi rừng đã ban cho người Khơ Mú mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau khi dâng rượu, ông cắt tiết gà và gọi con cháu lại bôi huyết gà lên đầu gối mọi người. Cứ như thế hết lượt, con cháu lại xúm lại bôi cho bố mẹ. Vừa bôi vừa chúc nhau năm mới sức khỏe, an lành, đôi chân luôn cứng để vững bước trên núi rừng, nương rẫy.

Khi mọi thủ tục ban đầu đã xong xuôi, mọi người mới đem gà đi làm thịt để chuẩn bị cho phần lễ tiếp theo. Lúc này, những già làng được ông mời đến ngồi quanh chum rượu cần, vừa uống vừa chúc gia chủ 1 năm mới tốt lành. Ông Tiến bảo: “Chỉ những người già nói lời hay ý đẹp thì năm ấy gia đình mới phát đạt”. Những sừng rượu cần được mời hết khắp lượt bằng những lời tơm bay bổng của người tiếp rượu. Cuộc vui cứ thế kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ.

Tiếng nói cười, tiếng chúc nhau năm mới rộn ràng khắp bản làng. Men rượu cần càng uống càng ngọt trên đầu môi càng say đắm lòng người. Một năm mới đã bắt đầu với người Khơ Mú.

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận: Giám sát Chương trình MTQG 1719 tại các huyện Thuận Nam, Ninh Phước

Ngày 26/12, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 (Chương trình MTQG 1719) tại các huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Đoàn công tác do ông Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu. Cùng dự làm việc có đại diện các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã trên địa bàn 2 huyện.