Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ngược ngàn về vùng biên giới vui Tết hoa mào gà cùng đồng bào Cống

PV - 11:57, 21/11/2020

Dân tộc Cống là một trong 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đồng thời là một trong 5 dân tộc ít người ở địa phương này.

Nghi thức văn hóa cắm hoa mào gà lên đầu hồi nhà sàn trước ngày bản làng tổ chức Tết hoa. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN
Nghi thức văn hóa cắm hoa mào gà lên đầu hồi nhà sàn trước ngày bản làng tổ chức Tết hoa. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Tại tỉnh Điện Biên, đồng bào Cống sinh sống tập trung ở 4 bản Púng Bon, Huổi Moi, Nậm Kè và Lả Chà thuộc 3 xã của các huyện Nậm Pồ, Mường Nhé và Điện Biên với hơn 210 hộ, trên 1.150 nhân khẩu.

Trong lễ tục vòng đời, người Cống còn bảo lưu, trao truyền được những lễ hội đặc sắc, độc đáo như: Tết hoa mào gà, Lễ cúng bản, Lễ cúng tổ tiên, Lễ lên nhà mới, Lễ mừng cơm mới, Lễ cúng hồn lúa, Cúng nương rẫy...Trong đó, Tết hoa mào gà (Mền Loóng Phạt Ái) là nghi lễ độc đáo nhất bởi đây là Tết cổ truyền, phản ánh sinh động đời sống và bản sắc của cộng đồng người Cống.

Hướng về nguồn cội

Cứ vào dịp tháng 9, tháng 10 âm lịch hằng năm, khi công việc gặt hái, thu hoạch nông sản đã xong, kết thúc bằng “Lễ mừng cơm mới” là người Cống ở các bản Huổi Moi, Púng Bon của xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) lại háo hức, tất bật chuẩn bị cho Tết hoa mào gà.

Huổi Moi là một trong 6 bản của xã Pa Thơm, nơi được coi là bản xa nhất, nghèo khó nhất của xã vùng biên này. Người Cống định cư, lập bản ở Huổi Moi (tiếng bản địa có nghĩa là “bản ở dòng suối có nhiều cây cối”) từ năm 1970, khi đó một bộ phận người Cống ở bản Púng Bon (định cư từ năm 1959) tách ra. Hiện cả bản Huổi Moi có 31 hộ, sinh sống biệt lập ở bản Huổi Moi và điểm bản Buôm En, cách nhau khoảng 4km đường mòn xuyên rừng. Riêng tại Huổi Moi, người Cống có 16 hộ, nằm quần tụ sườn núi, cạnh vành đai đường biên giới, cách lãnh thổ nước Lào chỉ là dòng suối cạn.

Đứng trên con dốc cao đầu bản, mọi người dễ dàng nhận ra bản Huổi Moi nhờ tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nô đùa của trẻ nhỏ, tiếng hát, tiếng cười rộn rã của các chị, các mẹ và những làn khói bếp bay lên, quyện hòa, bảng lảng cùng sương sớm. Trên những căn nhà sàn truyền thống của người Cống, lá cờ Tổ quốc đang tung bay, khoe sắc đỏ giữa nền xanh thẫm của đại ngàn.

Ông Lò Văn Sam, Trưởng bản Huổi Moi hồ hởi cho biết: Năm nay, công việc thu hái vụ mùa kết thúc sớm, theo quan niệm của người Cống, cứ kết thúc vụ mùa là kết thúc năm cũ. Vì vậy, người dân trong bản tổ chức Tết hoa mào gà sớm hơn năm ngoái. Đây là dịp đồng bào hướng về nguồn cội, bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên và các đấng thần linh (thần đất, thần sông, thần rừng…) trong năm cũ đã phù hộ, đồng hành, tiếp thêm sức mạnh cho người dân có sức khỏe dồi dào, cây cối trên nương rẫy, ruộng vườn tốt tươi, mùa màng bội thu. Trong Tết hoa mào gà, người dân sẽ cầu xin tổ tiên, thần linh những điều tốt đẹp trong năm mới, chúc nhau may mắn, thuận lợi và cùng sum vầy, vui chơi để bàn làng càng thêm đoàn kết.

Đặc biệt, trong tâm thức của người Cống, Tết hoa mào gà còn mang tính khởi nguyên cho mọi công việc ở bản làng. Bởi nếu Tết hoa mào gà chưa được tổ chức, trong năm mới chưa ai được phép đi phát nương, làm rẫy, vui chơi, ca hát hay làm những công việc trọng đại của gia đình, dòng tộc. Khi chưa tổ chức Tết hoa mào gà, các vật dụng sản xuất nông nghiệp như cày (thai), bừa (ban), liềm (kiếu)... đều được “đánh dấu” nghỉ ngơi, không ai được sử dụng đến.

Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời

Trước đây, Tết hoa mào gà thường diễn ra nhiều ngày nhưng hiện nay chỉ còn 1 ngày 1 đêm. Không gian và địa điểm tổ chức Tết hoa mào gà tại nhà già làng và các gia đình. Diễn trình Tết hoa mào gà bao gồm nhiều nghi thức, lễ thức độc đáo, thu hút mọi người tham gia, có tính cố kết cộng đồng cao.

Trước khi tổ chức Tết hoa mào gà khoảng 10 ngày, thầy cúng của bản sẽ xem sách, chọn ngày lành, tháng tốt (tránh ngày mất, chôn cất của những người quá cố trong bản) và thông báo, ấn định cho người dân biết ngày tổ chức. Sáng sớm ngày tổ chức Tết hoa mào gà, sau nghi thức cúng bản, già làng sẽ “phát lệnh” cấm bản. Biểu tượng “Me khá” (được đan bằng tre nứa, có hình mắt cáo-giống biểu tượng “Ta-leo” của người Thái) sẽ được cắm ở cổng rào đầu bản như gửi thông điệp đến mọi người không được tự do ra, vào bản.

Lễ thức cúng bản xong, lễ chủ của mỗi gia đình sẽ lên nương, tìm đến vùng chuyên gieo trồng hoa mào gà để chọn những cành hoa đẹp, hái hoa mang về nhà thầy cúng, cùng nhau trang trí lên một cây tre còn nguyên cành dựng giữa nhà thầy cúng rồi đi cắm hoa lên cửa, vách, cầu thang, bờ rào của các gia đình trong bản.

Theo các anh Lò Văn Lả, Quàng Văn Sai, người dân bản Huổi Moi, đồng bào Cống coi hoa màu gà là “hoa thiêng”, mang nhiều ý nghĩa như: Màu sắc của hoa tạo không khí gần gũi, ấm áp cho khắp không gian bản làng trong ngày Tết, hoa mào gà là biểu tượng cho sự may mắn, tốt đẹp đến với mọi người, mọi nhà. Loại hoa này là cây cầu dẫn đường, đưa lối cho tổ tiên đi từ cõi thiêng về với bản làng, tìm đúng nhà, về đúng nơi thờ cúng.

Tại nhà thầy cúng, các gia đình sẽ mang lễ vật như gà, rượu đến và bày lên mâm cúng đặt dưới chân cây hoa. Con vật dâng lễ hiến sinh (gà), các loại củ, quả, bánh, hai con cá khô nấu canh với lá sả (pùm phi), khoai sọ (pùm xì), rượu (tý khá)… được sắp đặt trên mâm cúng.

Sau những hồi trống, chiêng vang giòn và ngân xa khắp bản báo hiệu lễ cúng của Tết hoa mào gà bắt đầu, thầy cúng thực hiện lễ thức để mời gọi các thần linh, tổ tiên về dự lễ; dâng lễ vật lên các đấng thần linh, tổ tiên và xin phép tổ tiên cho dân làng tổ chức Tết hoa. Sau lễ thức này, những con vật hiến sinh sẽ được mang đi làm thịt để bày mâm cúng (đồ chín).

Thầy cúng thực hiện các nghi lễ mời thần linh, tổ tiên về ăn cỗ; đồng thời báo cáo tình hình mùa màng, chăn nuôi, sức khỏe của người dân trong năm qua và cầu xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho đồng bào năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, lợn gà đầy chuồng, làm ăn phát đạt. Rồi thầy nâng chén rượu mừng mọi người và lần lượt đi cúng cho từng nhà, kết thúc phần lễ.

Sang phần hội, không khí bản làng trở nên tưng bừng, hân hoan, hoạt náo bởi nhiều người cùng tề tựu về bãi đất trống giữa bản ca hát, nhảy múa trong rộn rã nhịp trống, tiếng chiêng và ném hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản làng bước sang năm mới ấm no, hạnh phúc, vạn vật sinh sôi nảy nở. Trong phần hội, người Cống thể hiện rõ nhất tinh thần lạc quan, yêu đời và hi vọng về ngày mai tươi sáng hơn.

Ngày hôm sau, tuy Tết hoa mào gà đã kết thúc nhưng dư âm vẫn còn khi các gia đình, dòng tộc, người dân vẫn đến nhà nhau thăm hỏi, trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm sản xuất...

Tết hoa mào gà là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời, tiêu biểu nhất và là nhu cầu tâm linh không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Cống ở vùng biên giới Pa Thơm nói riêng, trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng. Tết hoa mào gà được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 2/2019, hiện là một trong 8 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Điện Biên.

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.