Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đặc sắc Tết hoa của dân tộc Cống

PV - 12:21, 09/12/2017

Tết hoa là Tết cổ truyền quan trọng trong năm của đồng bào dân tộc Cống, một trong những dân tộc ít người của tỉnh Điện Biên, với dân số chỉ khoảng 1.000 người. Vào những ngày đầu của tháng 12 dương lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh Điện Biên lại nô nức tổ chức Tết hoa, đánh dấu một năm cũ khép lại với mùa màng bội thu, chuẩn bị cho một năm mới an lành, nhiều may mắn.

Trang trí khuôn viên nhà trong ngày Tết Trang trí khuôn viên nhà trong ngày Tết

 

Đối với đồng bào dân tộc Cống, khi hoa mào gà bừng nở, đỏ rực trên các sườn đồi, nương núi cũng là lúc báo hiệu mùa màng đã được thu hoạch, thời điểm tổ chức Tết hoa (hay còn gọi là Mền loóng phạt ai), lễ tết cổ truyền quan trọng nhất trong năm của người Cống cũng chính thức bắt đầu.

Để thực hiện Tết này, ngay từ sáng sớm, chủ mỗi gia đình sẽ lên nương lúa hái hoa mào gà gieo quanh nương, trang trí cùng các lễ vật thu hoạch được trong năm đặt trong mâm cúng, rồi mang đến nhà thầy cúng trong bản. Thầy cúng ngồi trước mâm cúng chính, kính cẩn mời các thần linh, tổ tiên về dự lễ, xin phép được tổ chức Tết hoa cho bản và dâng  lễ vật lên các đấng thần linh, tổ tiên. Sau những hồi trống, chiêng vang lên khắp bản thì Tết hoa sẽ chính thức bắt đầu.

Qua Tết này người Cống mong muốn bày tỏ lòng biết ơn với các thần linh, các quan thần thổ địa nơi đồng bào sinh sống đã phù hộ cho họ một năm có sức khỏe và mùa màng tươi tốt. Đồng thời cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới.

Ông Nạ Văn Tha, Trưởng bản người dân tộc Cống ở Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: “Tết hoa là Tết cuối cùng hết năm của dân tộc Cống, khi đó mùa màng, sản vật tất cả mang về nhà, là bắt đầu làm Tết hoa. Làm Tết hoa thì mới tiếp tục được phù hộ đi làm ở trên nương. Nếu người nào, hộ nào không làm Tết hoa thì dân bản sẽ phạt”.

Cũng tương tự như một số dân tộc anh em ít người khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên, dân tộc Cống canh tác chủ yếu trên nương rẫy và ruộng nước, ruộng bậc thang, một năm một vụ chính. Ngoài ra còn trồng trọt các loại rau màu trên đất bãi ven sông, suối để phát triển nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm. Do đó cũng bởi quan niệm “sinh ra nhờ trời, sống cũng nhờ trời” mà tổ tiên người Cống lưu truyền lại, nếu Tết hoa chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, làm rẫy, vui chơi, ca hát.

Để phù hợp với những thay đổi của cuộc sống hiện tại, nghi lễ của Tết hoa cũng đã được rút ngắn xuống chỉ còn 1 ngày, 1 đêm so với 3-4 ngày như trước kia. Tuy nhiên những nghi lễ dâng cúng, các sản vật dâng lên thần linh và ý nghĩa của Tết hoa thì vẫn được người dân giữ nguyên vẹn.

Ông Nạ Văn Phanh, thầy cúng của người dân tộc Cống, bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cho biết: “Lễ hội Tết hoa dân tộc Cống năm nào cũng có. Lúc làm lễ phải có 1 cặp sóc, 1 cặp cá, khoai sọ, các thứ hoa quả trên nương hái về, các thứ này không được thiếu. Từ đó cầu mỗi năm làm ăn kinh tế phát đạt, bà con dân bản sức khỏe, gia súc gia cầm chăn nuôi tốt. Làm lễ xong thì bà con dân bản mời cơm và mấy chén rượu chúc nhau vui vẻ”.

Mở những chum rượu cần ngon nhất để tiếp đãi du khách ngày Tết. Mở những chum rượu cần ngon nhất để tiếp đãi du khách ngày Tết.

Và có lẽ cũng bởi giữ được nguyên vẹn bản sắc dân tộc của mình, mà mỗi khi Tết hoa của người Cống được tổ chức đã thu hút đông đảo người dân, du khách trên địa bàn tới tham dự. Từ đó thể hiện sâu sắc sự gắn kết của cộng đồng các dân tộc khác đối với dân tộc đặc biệt ít người như người Cống.

Bà Lương Thị Đại, một du khách đến tham dự Tết hoa của đồng bào Cống chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến dự Tết hoa của dân tộc Cống, tôi thấy rất phấn khởi vì đồng bào Cống còn giữ lại nhiều bản sắc dân tộc, tất cả lễ nghi, trang phục, sinh hoạt ăn ở đồng bào còn giữ được rất là tốt, mà có thể nhiều dân tộc khác cũng phải noi theo”.

Còn đối với anh Phạm Đức Long, một du khách trên địa bàn lần đầu đến tham dự Tết hoa của người Cống ở bản Púng Bon cho biết, đây là một lễ hội rất lạ và độc đáo. “Năm nay mới là năm thứ 2, sang năm chắc chắn mình sẽ vui hơn và mình sẽ tham gia xem lễ Tết”, anh Long chia sẻ.

Tết hoa là lễ hội cổ truyền đặc sắc của dân tộc Cống chứa đựng những yếu tố văn hóa tích cực gắn với cộng đồng người Cống, phản ánh sinh động đời sống và bản sắc của một dân tộc ít người ở Tây Bắc Tổ quốc. Việc tổ chức thành công Tết hoa 2017 đã góp phần lưu giữ một nét văn hóa độc đáo của dân tộc ít người, thắt chặt tình đoàn kết của các dân tộc anh em trên địa bàn. Từ đó tạo đà phát triển ổn định, giữ vững an ninh chính trị nơi vùng biên Tổ quốc.

Vũ Lợi

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.