Bởi thế, hơn 70.000 đám cháy đã thiêu đốt rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới trong năm 2019 và hồi tháng 6/2021 không chỉ tàn phá rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, gây xót xa cho cộng đồng quốc tế mà còn đe dọa đến cuộc sống của hàng trăm bộ tộc người bản địa.
Những cư dân người bản địa sinh sống tại rừng Amazon cho biết, những gì đang diễn ra là sự tàn phá đối với cuộc sống của chúng tôi. Đây là sự hủy diệt. Mỗi cây rừng đều có sự sống và chúng cần được sống. Giờ đây mọi thứ đang bị phá hủy…
Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (Inpe) ghi nhận, chỉ trong tháng 6 vừa qua đã xảy ra 2.308 điểm nóng cháy rừng tại Amazon, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2020, cũng là thời điểm cháy rừng đạt đỉnh điểm trong vòng 13 năm. Tuy nhiên, số vụ cháy rừng trong tháng 6 chỉ bằng một phần nhỏ so với số vụ cháy xảy ra vào cao điểm của mùa khô trong tháng 8 và 9.
Các nhà khoa học cảnh báo, tình trạng thời tiết khô hạn tại Amazon và vùng đầm lầy Pantanal có thể dẫn đến một mùa cháy tồi tệ hơn. Bộ Năng lượng và Mỏ Brazil cũng thông báo, hạn hán khốc liệt khiến lượng nước tại các nhà máy thủy điện trên khắp Brazil ở mức thấp nhất trong 91 năm.
Là rừng mưa nhiệt đới nên Amazon không thể tự cháy. Tuy nhiên, tình trạng đốt rừng lấy đất để chăn thả gia súc, phát triển nông nghiệp cùng nạn khai thác khoáng sản trái phép gia tăng đã khiến hệ sinh thái trở nên khô kiệt, dẫn đến hàng loạt vụ cháy ngoài tầm kiểm soát. Cư dân bản địa dù cố gắng nhưng không đủ sức đánh lại các nhóm lâm tặc.
Ông Handech Wakana Mura, Tộc trưởng bộ tộc Mura: Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi lại thấy mức độ hủy hoại rừng tăng nhanh: từ nạn phá rừng, lấn chiếm đến chặt cây lấy gỗ. Chúng tôi rất đau buồn vì khu rừng đang chết dần. Chúng tôi cảm thấy được khí hậu đang thay đổi. Thế giới cần có rừng, chúng tôi cần rừng và con cháu chúng tôi cũng vậy.
Nhiều nhà hoạt động bảo vệ môi trường cũng đánh giá tình trạng rừng Amazon bị thiêu đốt và tàn phá với tốc độ chóng mặt có liên quan đến chính sách của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, theo đó nới lỏng luật và cắt giảm ngân sách bảo vệ rừng.
Bà Ivaneide Bandeira Cardoso, nhà sáng lập Kanindé – Nhóm vận động cho cộng đồng cư dân bản địa Amazon cho biết: Chính sách của Tổng thống Bolsonaro đã góp phần gây ra thảm kịch này. Nạn nhân lớn nhất của các vụ cháy rừng không chỉ là các bộ tộc thổ dân và thiên nhiên mà nó còn ảnh hưởng đến toàn bộ nhân loại. Bởi lẽ, rừng Amazon đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái toàn cầu, với vai trò giảm thiểu CO2 và kìm hãm những tác động của biến đổi khí hậu.
Theo những người bản địa Amazon, trong nhiều năm qua, cộng đồng thổ dân ở Amazon đã tìm mọi cách để thuyết phục chính quyền thừa nhận vùng đất họ sinh sống là khu bảo tồn người bản địa. Sau khi các vụ cháy bùng phát, họ cầm những cây cung dài và quệt sơn đỏ cam theo phong tục, thề quyết tâm bảo vệ “lá phổi xanh của Trái đất”, nỗ lực thu hút sự chú ý của quốc tế trong vấn đề bảo tồn rừng. Tất cả họ đều bày tỏ mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ mảnh đất này, bảo vệ thiên nhiên, cây cối và động vật nơi đây. Nếu cần thiết, tôi sẽ chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi sẽ không bao giờ để họ động đến vùng đất của mình. Chúng tôi sẽ không ngừng chiến đấu. Chúng tôi ở đây và không đi đâu cả.
Trong khi chờ đợi thế giới hành động, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Tộc trưởng Ajareaty của bộ tộc Waiapi, dù đã ở tuổi 60 tuổi vẫn cắp sách đến trường để học tiếng Bồ Đào Nha, với hy vọng giao tiếp nhiều hơn với bên ngoài và dạy lại cho các thế hệ sau.
Bà Ajareaty, Tộc trưởng bộ tộc Waiapi cho biết: Tôi muốn biết cuộc sống bên ngoài như thế nào. Tôi học ngôn ngữ của họ để có thể nói chuyện, kêu gọi họ. Và tôi muốn con gái mình cũng như vậy, trở thành 1 tộc trưởng dẫn dắt mọi người cùng chiến đấu cho mảnh đất thiêng liêng này.
Các bộ tộc bản địa Amazon đang nỗ lực từng ngày để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng, cũng là bảo vệ bầu không khí tất cả chúng ta cùng hít thở.