Theo đó, sạt lở đê biển Tây thuộc địa bàn 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh, đoạn từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) và khu vực Vàm Tiểu Dừa (huyện U Minh) bao gồm 5 vị trí, với tổng chiều dài 2.692m. Nhiều đoạn không còn đai rừng phòng hộ.
Sạt lở làm hư hỏng kè rọ đá áp sát mái đê, có thể gây vỡ đê bất cứ lúc nào, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng tài sản của người dân, ảnh hưởng lớn đến cơ sở hạ tầng, sản xuất trong khu vực đê biển. Đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt mưa dông kết hợp triều cường, sóng lớn vào ngày 11 và 12/7 vừa qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Trong đó, cần ưu tiên huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời và U Minh vận động, sơ tán, di dời tài sản người dân ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm nhanh.
Thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; thực hiện công trình theo tình huống khẩn cấp. Kinh phí để khắc phục gần 37 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Được biết, đây là lần thứ 5 trong 7 năm qua, tỉnh Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp liên quan đến tình trạng sạt lở đê biển Tây.