“Khoác áo mới” cho búp bê
Những ngày đầu tháng 12, tôi có cơ hội được gặp gỡ và trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh.
Trong căn phòng nhỏ rộng chừng 40m2, nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) trưng bày hàng trăm búp bê trong trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam do anh tự thiết kế; mỗi búp bê lại mang trong mình một nét đặc trưng, riêng biệt của mỗi dân tộc khác nhau.
Nhìn vào những búp bê nằm trên kệ, anh Hoàng Anh kể, ý tưởng làm búp bê mặc trang phục dân tộc được anh ấp ủ, khi nhiều lần thấy khách du lịch ngó lơ các sản phẩm búp bê bằng giấy, len trong quầy lưu niệm trên phố cổ.
“Tôi muốn khách du lịch khi vừa nhìn vào búp bê Việt Nam, sẽ bị cuốn hút và thấy được những nét văn hóa riêng của người Việt, thay vì các sản phẩm phủ đầy bụi, xếp xó trong kệ hàng”, anh nói.
Là người họa sĩ, có cơ hội được trải nghiệm, đi đến các vùng miền của đất nước, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, anh Hoàng Anh hiểu rõ về con người và cuộc sống nơi đây. Với anh, việc thiết kế trang phục 54 dân tộc như một nhân duyên chắp nối, anh nhìn thấy và mê đắm trước những vẻ đẹp của trang phục truyền thốn của đồng bào các dân tộc.
Anh đến từng bản làng để cảm nhận đời sống của họ, nghe họ chia sẻ về những câu chuyện dân gian, xem họ mặc trang phục truyền thống như thế nào. Mỗi một lần tiếp cận lại cho anh những sự tìm tòi mới mẻ, những chất liệu riêng.
Đôi tay thuần thục đưa từng mũi kim, anh Hoàng Anh nói, mỗi dân tộc có một trang phục riêng với những hoa văn độc đáo, từ màu sắc, hình dáng, quần áo, khăn, vòng cổ, các họa tiết… đều phải đúng với nguyên bản trang phục mỗi dân tộc. Mỗi mảnh vải, màu sắc đều do anh tự tay lựa chọn tỉ mỉ từ vùng cao đem về.
“Mỗi một bộ trang phục sẽ thể hiện một nét đặc trưng riêng của mỗi dân tộc. Trang phục của dân tộc Dao sẽ khác với trang phục của dân tộc Mường. Trang phục người Mường thường là áo cóm, mở cúc ngực khoe mảnh thổ cẩm trong áo yếm. Còn người Dao đa phần là áo vạt dài, thêu đính cầu kỳ hơn. Riêng với phụ nữ dân tộc Pà Thẻn, bộ nữ phục bao gồm khăn, áo, thắt lưng, váy, yếm”, họa sĩ Hoàng Anh chia sẻ.
Chiều sâu nội tâm qua từng tác phẩm
Mỗi một sản phẩm do họa sĩ Hoàng Anh thiết kế đều mang sứ mệnh truyền tải văn hóa, là cầu nối đưa sản phẩm của Việt Nam nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đến gần hơn với mọi người.
“Trong quá trình sáng tạo, tôi cũng đã từng có khi thất bại nhiều lần, có những khi phải bỏ đi sản phẩm vì chế tác gương mặt không đúng tinh thần của đồng bào”, anh Hoàng Anh cho biết.
Để có được những búp bê “có hồn” và mang tính nghệ thuật đó là cả sự cố gắng và nỗ lực không ngừng của người họa sĩ tài hoa. Hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, với anh, vẽ như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.
Anh chia sẻ, bức vẽ đầu tiên anh vẽ, là bức tranh về chiếc bình hoa sen nhân ngày giỗ mẹ. Những năm tháng tuổi thơ cơ cực, khó khăn và thiếu thốn đã định hình nên một người họa sĩ mang phong cách Hoàng Anh. Những bức tranh anh vẽ về Thủ đô Hà Nội cho đến những vùng núi cao của đất nước đều có những nét rất riêng và đặc sắc.
“Qua nhiều năm tháng tôi luyện, được đi, trải nghiệm và khám phá đã cho tôi thêm nhiều vốn sống để thổi hồn vào những bức tranh của mình. Tôi luôn muốn đưa hình ảnh đất nước mình giới thiệu đến bạn bè quốc tế thể hiện niềm tự hào dân tộc”, anh Hoàng Anh tâm sự.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, họa sĩ Hoàng Anh hy vọng sẽ có cơ hội được khám phá thêm nhiều vùng đất mới, gặp gỡ nhiều đồng bào thuộc các dân tộc khác nhau để có thể hoàn chỉnh bộ búp bê 54 dân tộc Việt Nam.