Số lượng túi thải này đến từ mỏ đá phiến Vaca Muerta, một trung tâm khai thác đá phiến khổng lồ, có diện tích tương đương với nước Bỉ. Loại túi này được sử dụng với số lượng lớn, lên tới hàng nghìn chiếc trong quá trình khai thác dầu khí, sau đó được xử lý, trộn với da phế thải. Phần lớn các túi không được tái chế mà bị đốt, thải ra khí nhà kính.
Hãng thời trang mang tên Fracking Design, do ba chị em gái trong một gia đình thành lập nên. Nhà thiết kế Ornella Basilotta, 40 tuổi, một trong số ba chị em Carla, Ornella và Mora sáng lập hãng thời trang, đã hợp tác với các công ty năng lượng trong khu vực như Tập đoàn năng lượng nhà nước YPF để thực hiện ý tưởng độc đáo này.
Bà chia sẻ: “Ước tính một giếng dầu có từ 30 đến 40 nghìn tấn cát. Cần tới 26.500 chiếc túi để chứa số cát này. Đó là nguồn nguyên liệu khổng lồ cho ý tưởng mới của chúng tôi. Nếu những bao tải này bị đốt cháy, số lượng khí thải thải ra môi trường phải cần đến khoảng 1.100 cây xanh để hấp thụ”.
Nhà thiết kế Ornella Basilotta cho biết, có khoảng 40 gia đình tham gia vào chuỗi sản xuất này. Ý tưởng tạo ra các sản phẩm thời trang từ các túi vải bố thải ra từ mỏ dầu đá phiến nảy ra khi ba chị em bà tình cờ đi qua các cánh đồng Vaca Muerta để tìm nguồn nguyên liệu len lông dê.
Các sản phẩm từ vải bố và da nhựa phế thải này, chẳng hạn như xăng đan, đã xuất hiện trong gian thiết kế của Bảo tàng MALBA mang tính biểu tượng tại Buenos Aires, đồng thời được bán qua mạng và cũng được các công ty dầu mỏ địa phương dùng làm quà tặng.
Fracking Design đang mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực công nghiệp khác và dự định phát triển trong cả lĩnh vực dầu mỏ. Nhà thiết kế Ornella Basilotta cho biết: “Hiện nay chúng tôi mới sử dụng khoảng 10% túi thải mà một giếng dầu thải ra. Nói cách khác, chúng tôi còn rất nhiều việc phía trước để tiếp tục phát triển”.