Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bóc mẽ thủ đoạn đòi nợ thuê

Tuấn Trình - 10:55, 04/08/2020

Những thủ đoạn mà dân đòi nợ thuê dùng để khống chế con nợ đã khiến bao gia đình tan vỡ; có những con nợ không chịu được sức ép phải bỏ trốn hoặc tự vẫn… Vì thế, khi luật quy định “khai tử” dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê (bắt đầu từ tháng 1/2021), rất nhiều người dân đồng tình ủng hộ.

Nhóm côn đồ ở Hải Phòng vào Đăk Lăk hoạt động tín dụng đen và đòi nợ thuê. (Ảnh tư liệu)
Nhóm côn đồ ở Hải Phòng vào Đăk Lăk hoạt động tín dụng đen và đòi nợ thuê. (Ảnh tư liệu)

Cuối năm 2019, chị H’Chel Niê, sinh năm 1986, ngụ buôn M’Lốc A, xã Krông Jing, huyện M’Đrăk (Đăk Lăk) vay chị H’Nê Niê (cùng ở xã Krông Jing, huyện M’Đrăk) 770 triệu đồng. Vì không dùng đến số tiền trên nên chị H’Chel Niê cho H’Nghi Niê (hàng xóm) vay lại để lo việc gia đình. 

Không ngờ, vừa nhận đủ số tiền vay thì cả hai vợ chồng chị H’Nghi Niê bỏ trốn khỏi địa phương. Gia đình chị H’Chel Niê trở thành “con nợ”, liên tục bị chủ nợ là H’Nê Niê đòi nợ. 

Sau nhiều lần đòi không được, chủ nợ của chị H’Chel Niê đã nhờ đến một nhóm thanh niên lạ đòi nợ thay mình. Nhóm thanh niên này là những kẻ ăn chơi lêu lổng, có tiếng ở nhiều địa phương tụ tập lại với mục đích đòi nợ thay chủ nợ.

Mỗi lần bọn chúng đến là cả buôn lại thêm phần lo lắng, mất ăn mất ngủ vì đám thanh niên la ó, chửi bới; thậm chí dùng nhạc đám ma để gây áp lực. Đặc biệt, vào khoảng 19h, ngày 1/5/2020, nhóm người này có mang theo hung khí là dao xông vào nhà chị H’Chel Niê dọa giết. Không còn cách nào khác, chị H’Chel Niê đành chấp nhận bán đất và căn nhà với số tiền 290 triệu đồng để trả nợ. Số nợ còn lại chị xin khất lại sẽ trả nợ ngay khi có tiền. 

 Vụ việc của chị H’Chel Niê chỉ là một ví dụ nhỏ trong rất nhiều thủ đoạn mà các đối tượng đòi nợ thuê dùng để khống chế con nợ. Theo Thắng “mốc” - một cao thủ trong lĩnh vực đòi nợ thuê tại Tây Nguyên, chuyện đòi nợ thuê bằng những thủ đoạn như nhạc đám ma, khiêng quan tài hay khủng bố đánh đập con nợ là trò vừa “xưa” vừa ngu ngốc dễ bị cơ quan pháp luật xử lý. 

Riêng đội của Thắng “mốc” đi đòi nợ là phải có hợp đồng, có giấy ủy quyền… Với các “bảo bối” đó, đội Thắng “mốc” đường đường, chính chính đến nhà con nợ đòi mà không sợ chính quyền địa phương can thiệp. 

Khi con nợ không trả, đội Thắng “mốc” dùng những thủ đoạn tâm lý vô cùng bí hiểm như: Cầm cốc nước lạnh lùng đánh rơi vỡ toang xuống nền nhà, ghé sát tai con nợ nói nhỏ “không trả tao sẽ giết…” và một chiêu nữa là “ăn vạ” tại nhà và đưa quân đi giám sát từng thành viên trong gia đình, khiến họ luôn trong tình trạng lo lắng, căng thẳng, phải tìm mọi cách xoay tiền trả nợ.

Chúng tôi hỏi Thắng “mốc” là tới đây dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm, anh sẽ làm gì? Thắng hồn nhiên trả lời: “Chắc kiếm chiếc xe máy ra đường chạy xe ôm, hoặc xin làm vệ sĩ. Nhưng trước mắt phải đi xóa hình xăm trên cổ, trên người thì mới làm người lương thiện được”.