Qua các đợt sắp xếp theo các chủ trương của Đảng và Nhà nước, từ 37 nông, lâm trường, đến nay, toàn tỉnh còn 11 công ty, trong đó có 4 công ty nông nghiệp và 7 công ty lâm nghiệp. Điều thấy rõ là sau sắp xếp, các công ty nông, lâm nghiệp đã mang lại tính hiệu quả, như giải quyết việc nợ đọng và chế độ chính sách cho cán bộ, người lao động; công tác quản trị, quản lý tốt hơn.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An Phùng Thành Vinh, hoạt động giao khoán từ các công ty nông, lâm trường cho thấy, các đơn vị thực hiện giao khoán trong nội bộ 5% và ngoài nội bộ 6% theo quy định phục vụ các dịch vụ đầu vào, đầu ra, hướng dẫn kỹ thuật…
Đối với các tổng đội, kể từ thời điểm bắt đầu thành lập vào năm 1986, toàn tỉnh có 12 đơn vị, trong đó có 10 tổng đội do Tỉnh đoàn quản lý. Ở thời điểm này, trong 10 tổng đội do Tỉnh đoàn quản lý đã tiến hành sắp xếp, giải thể, bàn giao 4 tổng đội, hiện còn 6 đơn vị. Trong 6 tổng đội này, có tổng đội TNXP 2, TNXP 3 đang thực hiện quy trình giải thể, bàn giao đất về cho địa phương quản lý theo các phương án phê duyệt của UBND tỉnh; 4 tổng đội đang hoạt động, gồm: Tổng đội TNXP 5, Tổng đội TNXP 8, Tổng đội TNXP 9 và Tổng đội TNXP 10.
Khó khăn hiện nay trong thực hiện giải thể các tổng đội là, do khi thành lập, đất được giao trong các quyết định thành lập các tổng đội dựa vào bản đồ lâm nghiệp, chưa có thiết kế kỹ thuật, trích đo, cắm mốc trên bản bản đồ địa chính. Để giải quyết vấn đề này, ông Lê Văn Lương, Bí thư tỉnh đoàn Nghệ An cho biết: sẽ tập trung chỉ đạo các tổng đội phối hợp với các sở, ngành có liên quan để rà soát toàn bộ đất đai, lập thiết kế kỹ thuật, trích đo, cắm mốc làm cơ sở để nhà nước thu hồi và bàn giao cho người dân theo lộ trình đến năm 2024. Việc bàn giao cần thực hiện nguyên trạng đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất giao khoán cho các hộ đội viên về cho địa phương và các chủ thể khác có năng lực quản lý, khai thác theo quy định của pháp luật.
Lâu nay, do vướng mắc nguồn gốc đất từ các nông, lâm trường và tổng đội hay Vườn quốc gia nên việc thực hiện một số dự án, tiểu dự án theo chương trình MTQG 1719 ở Nghệ An gặp khó khăn. Đơn cử như việc thực hiện dự án Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân tại huyện Kỳ Sơn, thì đang vướng do đất và rừng đang nằm trong tay Ban quản lý rừng, Tổng đội…
Nguyện vọng của người dân và chính quyền địa phương, là sớm có quỹ đất để triển khai phân chia cho người dân làm sinh kế bền vững. Hay thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất theo Chương trình MTQG 1719 đối với các hộ dân Đan Lai sinh sống ở bản Búng và Cò Phạt (trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An). Người dân đã định cư đã lâu, nhưng người dân chưa được cấp đất ở, đất sản xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất.
Liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất sau khi thu hồi đất từ các tổ chức, chủ rừng trên địa bàn tỉnh, thông tin từ Sở Tài chính Nghệ An thì, thực hiện đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh, UBND tỉnh đã phê duyệt tổng kinh phí 224 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2024, chia thành 2 giai đoạn; giai đoạn 1, gồm 11 ban quản lý rừng phòng hộ với 113 tỷ đồng và giai đoạn 2, gồm 5 tổng đội TNXP, vườn quốc gia, khu bảo tồn, nông lâm trường quốc doanh…, với số kinh phí dự kiến 111 tỷ đồng.
Có thể nói, đây là mấu chốt quan trọng để hiện thực hóa, gỡ khó cho việc triển khai giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất cũng như thực hiện các dự án của Chương trình MTQG 1719 tại Nghệ An./.