Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bình Phước: Nhức nhối tình trạng bán điều non, bán đất trong vùng đồng bào DTTS

Thanh Liêm - 19:19, 04/03/2023

Câu chuyện bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất… lại trở thành chuyện thời sự của người dân vùng nông thôn, đặc biệt trong vùng đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời gian gần đây. Thực trạng đau lòng này, đã đẩy nhiều hộ dân vào cảnh khốn khổ, nợ nần chồng chất, không đất đai, nhà cửa. Chính quyền địa phương thì đau đầu, nhưng chưa tìm ra hướng giải quyết hữu hiệu.

Nhiều diện tích điều của người DTTS ở tỉnh Bình Phước đã được bán non, cầm cố, bán… thời gian qua
Nhiều diện tích điều của người DTTS ở tỉnh Bình Phước đã được bán non, cầm cố, bán… thời gian qua

Muôn kiểu bán điều non, cầm cố đất…

Ông Điểu Tin, người Xtiêng (thôn Bình Hà, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập) có 2 ha điều. Do điều thất mùa không trả được khoản nợ trước đó, nên ông đành mang bán 2 ha điều non để lấy tiền tiêu xài. Hay gia đình ông Điểu Brôn, người Xtiêng ở cùng thôn cũng rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười. Do gia đình gặp khó khăn nên ông Điểu Brôn phải đi vay nóng 6.000.000 đồng, lãi suất 100.000 đồng/tháng để trang trải cuộc sống chờ đến khi thu hoạch điều để bán trả nợ. Nào ngờ điều thất mùa không trả nợ nổi nên ông Điểu Brôn phải cắn răng bán non 1,5 ha điều hơn 17 năm tuổi, cho chủ nợ thu trong vòng 5 năm để trả nợ.

Tương tự, các ông Điểu Be, Điểu Lương, Điểu Xum, cùng ngụ thôn Bình Hà cũng đã phải bán non cho các chủ để trả nợ, lấy tiền trang trải cuộc sống. Giờ mùa điều đến, những người này phải đi nhặt điều thuê cho những người chủ trong vùng, thậm chí là trên chính mảnh đất của gia đình để kiếm tiền chi tiêu hằng ngày.

Trường hợp khác, ông Điểu Huỳnh, người Xtiêng, ngụ thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, vay tiền của ông Bùi Đức Dương, ngụ cùng xã số tiền 60 triệu đồng, thời hạn 20 ngày và mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của người anh em cột chèo Điểu Mum để thế chấp. Đến hẹn không thể trả nợ, ông Dương mời ông Huỳnh lên “giải quyết” bằng cách ký vay tiền 280 triệu đồng. Nhận thấy không đủ khả năng trả nợ, ông Huỳnh đã làm đơn tố cáo ông Dương lên cơ quan chức năng về hành vi cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc thì không có cơ sở để giải quyết.

Giờ nghĩ lại, bà Thị Ché, người Xtiêng (thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập), lại đau buồn về lòng về 11 ha điều của gia đình đã bị sang nhượng lại cho người khác. Bà cho biết, trước đây bà ủy quyền cho một người khác đi vay nợ ngân hàng để có tiền trồng tiêu và chi tiêu hàng ngày. Do không biết tính toán làm ăn, nên để có tiền trả lãi, bà đã phải vay nóng thêm từ bên ngoài. Thời gian trôi qua, lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng nợ nên bà đành phải sang nhượng lại 11 ha rẫy của gia đình để gán nợ. Tài sản duy nhất của gia đình bà Thị Ché, chỉ là căn nhà đang ở, sổ đỏ đang bị cầm cố 300 triệu đồng trong ngân hàng.

Gần nhà bà Thị Ché là trường hợp chị Thị Chơi, người Xtiêng. Với khoản nợ 150 triệu mà bản thân cũng không nhớ rõ vay từ lúc nào. Lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền giờ đã lên 220 triệu đồng. Không vườn rẫy, công việc thiếu ổn định, bí quá nên mới đây gia đình chị Thị Chơi đành ngậm ngùi gán ngôi nhà cùng mảnh vườn đang ở, với diện tích gần 1.500 m2 để trả nợ.

Lãnh đạo HĐND tỉnh Bình Phước đi khảo sát tại một hộ người DTTS ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập về tình trạng bán điều non, vay nặng lãi, lừa đảo cầm cố đất, bán đất vùng đồng bào DTTS trên địa bàn
Lãnh đạo HĐND tỉnh Bình Phước đi khảo sát tại một hộ người DTTS ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập về tình trạng bán điều non, vay nặng lãi, lừa đảo cầm cố đất, bán đất vùng đồng bào DTTS trên địa bàn

Phát hiện nhiều, xử lý ít

Theo báo cáo số 10/BC-BDT của Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước mới đây cho thấy, qua thông kê, trong năm 2022, số hộ người DTTS bán điều non 90 hộ/406,7 ha, số tiền 13.480 triệu đồng (năm 2021 là 485 hộ). Thời gian bán điều non từ 1 - 15 năm. Số hộ người DTTS cầm cố đất sản xuất: 21 hộ/32 ha, số tiền không xác định (năm 2021 là 21 hộ). Số hộ người DTTS sang nhượng (mua bán) đất ở: 95 hộ/60,679 ha, số tiền 35.628 triệu đồng (năm 2021 là 9 hộ). Số hộ người DTTS sang nhượng (mua bán) đất sản xuất: 208 hộ/196 ha, số tiền 40.692 triệu đồng (năm 2021 là 42 hộ).

Trước thực trạng các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết để lừa gạt nhằm chiếm đoạt tài sản người dân, các cơ quan chức năng đã triển khai tiếp nhận, điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên, việc tổ chức, xử lý liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi, lừa đảo cầm cố đất, môi giới bán điều non trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn hạn chế.

Còn theo Báo cáo số 296/BC-UBND ngày 15/9/2020 của tỉnh Bình Phước về sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 3/7/2017 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cho thấy, tình hình bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số hộ, diện tích, số tiền cầm cố, thế chấp, bán điều non, bán đất sản xuất.

Nếu như năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 482 hộ bán điều non, với diện tích 683,75 ha và số tiền 28.844 triệu đồng, thì đến năm 2020 là 663 hộ, với diện tích 1.161,13 ha và tổng số tiền khoảng 37.504,8 triệu đồng, trong đó, đất do Nhà nước cấp theo các chương trình chính sách dân tộc là 78,06 ha. Tình trạng bán điều non tập trung chủ yếu ở 2 huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập, với 93,67% số hộ bán điều non trên địa bàn tỉnh, thời gian bán điều non bình quân từ 3 - 8 năm, ngắn nhất là 1 năm và dài nhất là 28 năm.

Cũng theo báo cáo, giai đoạn 2017 - 2020, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh chỉ thụ lý, giải quyết 5 vụ án liên quan đến giao dịch bán điều non, 50 vụ liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng đất. Công an tỉnh đã khởi tố 2 vụ án, 2 đối tượng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi đối với 9 hộ dân đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đồng Phú; điều tra 1 vụ, 1 đối tượng tại huyện Bù Gia Mập nhưng không đủ cơ sở để xử lý. Phát hiện ngăn chặn kịp thời 11 hộ đồng bào DTTS tại xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản có dấu hiệu chuẩn bị cầm cố thế chấp tài sản để góp vốn mua bán thiên thạch, đồng đen.

Năm 2021 không có thống kế, riêng trong năm 2022 cũng không xử lý hình sự đối tượng nào có hành vi liên quan đến người DTTS trong các hoạt động bán điều non, vay tiền lãi nặng, cầm cố, sang nhượng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Qua đó cho thấy, các vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý quá ít so với số liệu báo cáo của cơ quan chức năng. Và thực tế cho thấy, tình trạng đồng bào DTTS bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố, bán đất bằng giấy viết tay trục lợi từ việc dụ dỗ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, gây nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự.

Bà Thị Ché ở thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, chẻ hạt điều thuê để kiếm sống qua ngày
Bà Thị Ché ở thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, chẻ hạt điều thuê để kiếm sống qua ngày

Nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS

Theo Dân tộc tỉnh Bình Phước, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bán điều non, cầm cố đất những năm gần đây, do tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng DTTS còn chậm so với mặt bằng chung của tỉnh. Bên cạnh đó, do nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS còn đơn giản và hạn chế; cuộc sống còn khó khăn nhưng vẫn vay nợ để mua sắm, làm nhà đẹp, mua xe, tổ chức cưới hỏi linh đình... sau đó không có tiền để trả nợ buộc phải cầm cố đất, vườn để trả nợ hoặc bị lấy đất để trừ nợ.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động trong một bộ phận Nhân dân chưa được thường xuyên, sâu sát. Một bộ phận khi tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, lại sử dụng không đúng mục đích cho vay mà sử dụng chi tiêu cho sinh hoạt gia đình,  khi đến thời hạn phải vay tiền lãi suất cao để trả nợ, dẫn đến phải bán điều non, thế chấp, cầm cố, sang nhượng đất.

Để ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS, giải pháp hữu hiệu nhất là tuyên truyền về hình thức, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi, môi giới đất, bán đất, bán điều non để đồng bào DTTS nâng cao nhận thức. Trong đó, cần phát huy vai trò hạt nhân của đội ngũ già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS trong công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với cộng đồng người DTTS trên địa bàn nơi già làng, Người có uy tín sinh sống. Kiểm điểm, phê bình chính quyền cơ sở nơi để xảy ra hành vi sang nhượng trái phép đất ở, nhà ở, đất sản xuất được cấp từ các chương trình chính sách.

Cơ quan chức năng sớm thực hiện điều tra truy tố, khởi tố xét xử công khai vụ án và đối tượng cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, để răn đe các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người DTTS để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho từng hộ DTTS; động viên, kích thích đồng bào có khát vọng vươn lên.

Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước vừa có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền bằng nhiều nội dung, hình thức, phát huy tối đa vai trò của già làng tiêu biểu, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tới người dân về tác hại của việc vay nặng lãi, bán điều non, cầm cố đất sản xuất trong thời gian dài. Các đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về các dịch vụ tài chính, ngân hàng nhằm từng bước thay đổi tư duy của người có nhu cầu về vốn, từ đó cảnh giác với “tín dụng đen”. Tạo điều kiện tốt nhất để người DTTS biết, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi theo các chương trình, đề án của Nhà nước, từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại.

Tin cùng chuyên mục
Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Việc xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc là nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo khoa học "Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc" diễn ra sáng ngày 20/9, rất nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học, cơ sở đào tạo...trên các lĩnh vực tham gia tham luận