Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Bình Định: Ồ ạt khoét núi bán đất

PV - 10:18, 20/03/2019

Thời gian gần đây, hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán đất trên địa bàn tỉnh Bình Định đang “nóng” dần lên. Các doanh nghiệp vô tư khoét núi lấy đi hàng triệu mét khối đất đá đem bán, còn chính quyền địa phương thì có dấu hiệu buông lỏng quản lý.

Khai thác tràn lan

Không khó để nhận thấy, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở đất đá nối đuôi nhau chạy khắp các tuyến đường qua địa bàn TP. Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn, huyện Phù Cát... phục vụ san lấp các công trình trên địa bàn tỉnh.

Từ ngã tư Gò Găng, đi dọc QL19B qua sân bay Phù Cát, qua địa phận xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn đến đồi Hỏa Sơn chúng tôi thấy có hàng chục điểm doanh nghiệp khoét núi khai thác, vận chuyển đất. Cũng từ ngã tư Gò Găng theo QL19B đi huyện Phù Cát là đến khu vực khai thác đá, đất tại núi Cấm, thôn Chánh Lạc, xã Cát Tường. Tiếp đến đi qua địa phận thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tại khu vực núi Đá Chồng (thuộc dãy núi Bà) hàng triệu m3 đất bị cày xới, khai thác tạo thành hố sâu lồi lõm, tan hoang cả khu vực dưới chân núi. Doanh nghiệp tự thỏa thuận mua lại đất trồng cây lâm nghiệp của các hộ dân, sau đó tiến hành khai thác.

Tình trạng khoét núi lấy đất đang diễn ra rầm rộ ở Bình Định nhưng việc quản lý tài nguyên của chính quyền địa phương quá lỏng lẻo. Tình trạng khoét núi lấy đất đang diễn ra rầm rộ ở Bình Định nhưng việc quản lý tài nguyên của chính quyền địa phương quá lỏng lẻo.

Đất không chỉ phục vụ các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Định đang thi công, mà còn phục vụ các dự án khu dân cư cần san lấp mặt bằng. Khu vực mỏ đất phục vụ công trình dự án, nhà đầu tư kê khai trong hồ sơ dự án một đằng nhưng thực tế lấy đất một nẻo. Nghĩa là, chủ đầu tư chọn những mỏ đất đã được quy hoạch thành vùng khai thác khoáng sản phục vụ các công trình để hồ sơ dự án đủ điều kiện triển khai, nhưng trên thực tế lại chọn nơi khác lấy đất nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Đơn cử như dự án Khu đô thị mới đường Lê Hồng Phong nối dài tại phường Bình Định và dự án Khu dân cư thuộc Khu đô thị mới Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng của thị xã An Nhơn đều có nguồn gốc từ đất trồng lúa. Để có đất san lấp mặt bằng dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công hai dự án này đều xin mỏ đất tại núi Một, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát để thi công dự án, nhưng thực tế lại không lấy đất ở đây.

Tại khu Công nghiệp Long Mỹ, xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn, tình trạng khai thác đất cũng diễn ra rầm rộ, gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân. Một người dân cho biết, những doanh nghiệp này mua đất của hai hộ dân có đất đồi dưới chân núi dốc Long Mỹ rồi khai thác từ nhiều tháng nay. Nghĩa là, người dân không có nhu cầu sử dụng đất trồng cây lâm nghiệp lại đem bán cho doanh nghiệp khai thác đất dưới danh nghĩa phục vụ đất cho các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Định?

Còn tại TP. Quy Nhơn, núi Bà Hỏa cũng bị “xẻ thịt” để phục vụ dự án Khu đô thị-du lịch-thể thao hồ Phú Hòa và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài của Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc nhiều năm nay. Hai dự án này đang xây dựng cầm chừng, nhưng hằng ngày vẫn có hàng chục chuyến xe ra vào khai thác, vận chuyển đất ra ngoài.

Theo quan sát của chúng tôi, đoàn xe ben của nhiều doanh nghiệp đua nhau vào khu vực 1 (núi Bà Hỏa), phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn để lấy đất chở đất ra ngoài, thay vì chở vào nơi đang thi công dự án mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ phía cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Địa phương không nắm rõ!?

Để tìm hiểu về việc các doanh nghiệp khai thác đất tràn lan, chúng tôi đã làm việc với một số địa phương có mỏ đất. Ông Võ Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh và cán bộ địa chính xã đều khẳng định, mỏ đất ở núi Một dừng hoạt động khai thác sau khi dự án nâng cấp QL1A kết thúc và lâu nay không có đơn vị nào đến lấy đất ở đây, UBND tỉnh cũng chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào được khai thác đất tại núi Một.

Còn theo ông Trần Việt Quang, Chủ tịch UBND phường Đống Đa cũng không nắm rõ các đơn vị doanh nghiệp khai thác, vận chuyển đất tại núi Bà Hỏa vì không thấy văn bản thông báo nào gửi về phường để giám sát, quản lý. Việc Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc thi công hai dự án gây bụi, tiếng ồn cho người dân khu vực 1, UBND phường làm báo cáo gửi lên UBND TP. Quy Nhơn giải quyết và mong dự án sớm hoàn thành để không làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân.

Tình trạng các doanh nghiệp khoét núi lấy đất tràn lan trên địa bàn tỉnh Bình Định đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, xáo trộn đời sống sinh hoạt người dân, tài nguyên bị thất thoát nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi hỏi về việc doanh nghiệp khai thác đất có được cấp phép hay không, hầu hết lãnh đạo các địa phương đều không nắm rõ.

Có thể nói, đây chính là kẽ hở rất lớn trong công tác quản lý tài nguyên của các cơ quan chức năng và tỉnh Bình Định. Các doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở này tha hồ khai thác trong một thời gian dài nhưng không phải đóng thuế tài nguyên. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Bình Định cần chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường sớm kiểm tra tình trạng khai thác đất của doanh nghiệp, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các địa phương để có biện pháp quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát tài nguyên.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!