Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Gia (Lạng Sơn): Hiệu quả từ các mô hình đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo

Thúy Hồng - 10:47, 11/12/2024

Những năm qua, huyện Bình Gia đã thực hiện hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQG), đặc biệt huyện đã chú trọng triển khai thực hiện Dự án 2 về "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo". Đây được xem là giải pháp quan trọng, giúp khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, khơi dậy tính chủ động, tạo cơ hội để người nghèo tự lực vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ lợn giống để chăn nuôi và phát triển kinh tế
Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ lợn giống để chăn nuôi và phát triển kinh tế

Bình Gia là huyện nghèo miền núi của tỉnh Lạng Sơn. Toàn huyện có 18 xã và 1 thị trấn, trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn, 92/142 thôn đặc biệt khó khăn. Vào thời điểm năm 2021 tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 1.552/12.955 hộ, chiếm tỷ lệ gần 12%, số hộ cận nghèo là 2.698 hộ, chiếm tỷ lệ gần 21% tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020.

Thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, UBND các xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn cấp xã. Đồng thời, ban hành Kế hoạch về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 để cụ thể hóa các giải pháp giảm nghèo, trong đó tập trung tạo sinh kế, phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân một cách toàn diện.

Ra khỏi danh sách hộ nghèo từ năm 2020, nhưng 2 năm sau khi thoát nghèo, do nguồn thu nhập không ổn định, gia đình chị Lành Thị Thường, thôn Nà Dài, xã Tân Văn luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo. Tháng 8/2023, gia đình chị Thường được nhận hỗ trợ 17 con lợn giống từ nguồn vốn dự án 2 "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã.

Chị Thường chia sẻ: Từ 17 con lợn giống được hỗ trợ, sau hơn 1 năm chăm sóc, đến nay đàn lợn gia đình đã xuất bán được 2 lứa, với tổng thu nhập gần 60 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình tôi tiếp tục mua lợn giống về tái đàn và đầu tư thêm 2 con lợn nái để có thể chủ động được con giống. 

Không chỉ riêng trường hợp của chị Thường, qua tìm hiểu được biết, 9 hộ của thôn Nà Dài, xã Tân Văn tham gia dự án chăn nuôi lợn thịt đều cho thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/hộ. Hiện nay, cả 9 hộ này đều tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi.

Mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Bình Gia
Mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Bình Gia

Cùng với dự án chăn nuôi lợn thịt được triển khai tại thôn Nà Dài, xã Tân Văn, từ năm 2022 đến nay, UBND huyện Bình Gia đã phân bổ gần 13,7 tỷ đồng (từ nguồn vốn dự án 2) cho 12 xã trên địa bàn để tổ chức triển khai 29 dự án. 

Trong đó, các xã đã triển khai 17 dự án chăn nuôi lợn thịt, 6 dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò (gồm cả nuôi bò sinh sản và nuôi bò thương phẩm), 5 dự án hỗ trợ phát triển nuôi trâu nhốt chuồng và 1 dự án hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng; tổng số hộ tham gia các dự án là 239 hộ (79 hộ nghèo, 134 hộ cận nghèo, 26 hộ mới thoát nghèo).

Gia đình anh Hoàng Văn Chín ở thôn Nà Vường, xã Mông Ân, là một trong những hộ cận nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chăn nuôi từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Năm 2023, gia đình anh được hỗ trợ 2 con bò thuộc dự án nuôi bò sinh sản. Anh Chín cho biết: Gia đình sẽ cố gắng chăm sóc tốt đàn bò để phát triển tốt, có thêm thu nhập.

Theo ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội - Dân tộc huyện Bình Gia, triển khai thực hiện các dự án bước đầu đều đạt những kết quả tích cực. Các hộ tham gia dự án đều có thu nhập tăng thêm ít nhất 20% so với trước khi tham gia dự án. Với nguồn thu tăng thêm, các hộ dân có thêm nguồn lực để tiếp tục đầu tư, phát triển kinh tế gia đình.

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Gia, từ năm 2022 đến nay, huyện đã triển khai 17 mô hình sản xuất tại 12 xã, với sự tham gia của 242 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tổng kinh phí hỗ trợ trên 8,3 tỷ đồng thuộc Chương trình MTQG  giảm nghèo bền vững.

Bộ mặt nông thôn trên địa bàn Bình Gia ngày càng khởi sắc
Bộ mặt nông thôn trên địa bàn Bình Gia ngày càng khởi sắc

Ông Nông Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bình Gia nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu là, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 4% trở lên. Trong những năm qua, với việc triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo, đã góp phần để huyện thực hiện đạt mục tiêu về giảm nghèo bình quân.

Cũng theo ông Nam, thời gian tới, huyện Bình Gia sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để tập trung cho công tác giảm nghèo. Trong đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của dự án 2 (dự kiến giai đoạn 2026 - 2030 là khoảng 17 tỷ đồng), UBND huyện sẽ tiếp tục rà soát, phân bổ đúng đối tượng, tập trung hỗ trợ các hộ nghèo khu vực đặc biệt khó khăn có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất, từ đó có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Có thể thấy, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (dự án 2) được huyện Bình Gia thực hiện từ năm 2022 đến nay đã, đang và sẽ trở thành đòn bẩy góp phần giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững.