Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người có uy tín “đa zi năng” trong vùng đồng bào dân tộc Gié Triêng

T.Nhân - H.Trường - 10:27, 09/12/2024

Là “cánh chim đầu đàn” trong việc phát triển kinh tế, anh Hồ Văn Lắm (44 tuổi, dân tộc Gié Triêng, xã Phước Mỹ, Phước Sơn, Quảng Nam) đã đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình. Không những thế, phát huy vai trò của Người có uy tín tại địa phương, anh nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền, xứng đáng là “cánh tay nối dài” của Đảng và Nhà nước trong việc vận động bà con vươn lên làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đẩy lùi các tệ nạn, hủ tục.

Theo lời giới thiệu của cán bộ xã Phước Mỹ, chúng tôi rong xe máy trên những đoạn đường bê tông từ trung tâm xã đến thăm nhà anh Hồ Văn Lắm. Khi chúng tôi đến, nhà anh đóng cửa, người hàng xóm cho biết hai vợ chồng anh đang chăn bò trên rẫy, phải qua trưa mới về tới nhà. Theo cái chỉ tay của người dân, chúng tôi tìm đến rẫy keo của anh Lắm, cách đó chừng hơn 3km đường rừng.

Người có uy tín đa năng Hồ Văn Lắm.
Người có uy tín đa năng Hồ Văn Lắm

Trên chiếc Dream cũ, anh Lắm chở chúng tôi thăm quan một vòng quanh khu rẫy để giới thiệu về mô hình làm kinh tế của vợ chồng mình. Rẫy keo của gia đình anh chừng hơn 7ha, bao quanh một quả đồi lớn, cạnh một con suối nước trong vắt kéo đến chân thủy điện.

“Rẫy keo mình trồng cũng chục năm rồi, đã thu hoạch một lần, giờ sắp thu lứa thứ 2. Với khoảng hơn 7ha đất trồng, mỗi đợt vợ chồng cũng thu được 400 – 500 triệu đồng. Trong rẫy còn trồng hàng chục cây dổi, cũng thu hàng chục triệu đồng mỗi năm”, anh Lắm nói.

Xe anh dừng lại tại một khoảng đất trống. Anh bảo đi thăm đàn bò, nhân tiện cho thêm thức ăn vì bò cái sắp sinh. Sau vài tiếng gọi quen thuộc, đàn bò từ nhiều phía tập trung lại chỗ máng thức ăn đã chuẩn bị sẵn. Anh kéo lại sợi dây thừng từ gốc cây để con bò cái được thoải mái ăn bột sắn kèm tí muối hột.

Chia sẻ về điều này, anh nói hiện tại còn khoảng 15 con cả bò lẫn trâu. Gia đình anh mới bán 2 con bò lớn để lấy tiền trang trải gia đình, và nộp học phí cho con. Có thời gian cao điểm, đàn trâu bò của anh lên đến 30 con, nhiều nhất làng, giá trị lên đến hơn 300 triệu đồng.

Ngoài keo, dổi và trâu bò, vợ chồng anh Lắm còn trồng lúa tím than và chăn nuôi hàng chục con gà, vịt. “Lúa tím than mới được đưa vào gieo trồng, giá trị kinh tế cao hơn lúa thường. Gà vịt thì chúng tôi nuôi thêm vừa làm thức ăn, và bán kiếm tiền sinh hoạt hằng ngày. Làm nhiều loại để có thu nhập xen kẽ, thường xuyên, còn nếu trông chờ vào keo và trâu bò thì lâu lắm. Chỉ có làm kinh tế tốt thì mới thoát được cái nghèo, cái khó”, anh Lắm chia sẻ.

Anh Hồ Văn Lắm đi đầu trong làm kinh tế.
Anh Hồ Văn Lắm đi đầu trong làm kinh tế

Ở bên kia cánh rừng, vợ anh Lắm đang phát cỏ, khai hoang diện tích đất còn trống. Anh Lắm sau khi đem thức ăn cho bò, thăm những hàng dổi sum suê trái, thì có nhiệm vụ mang cơm trưa cho vợ mỗi khi chị không về trưa. Theo anh Lắm, diện tích đất rẫy của gia đình và bà con được một doanh nghiệp giải tỏa để làm thủy điện, nhưng lâu nay chưa sử dụng nên bà con tận dụng trồng keo để có thêm thu nhập.

Hiện nay, vợ chồng anh đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây dổi, và thử nghiệm trồng cây ăn trái như cam, bưởi, chanh. Không chỉ sản xuất giỏi, anh Lắm còn giúp đỡ nhiều hộ dân ở địa phương cùng tiến bộ, vươn lên trong cuộc sống. Trước đây, bà con chủ yếu sống bằng trồng lúa và trồng keo. Phát huy vai trò của mình, anh Lắm đã chia sẻ kinh nghiệm, vận động bà con chuyển đổi cây trồng.

Không chỉ giỏi về kinh tế, anh Lắm còn là hạt nhân trong việc tuyên truyền người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là nỗ lực vươn lên làm ăn, giảm nghèo.

Theo anh Lắm, trước đây người dân còn ỷ lại vào trợ cấp, không lo làm ăn để cải thiện kinh tế gia đình. Anh cùng với lực lượng chức trách ở thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn vay vốn làm ăn.

Không những thế, với những kiến nghị của người dân về hỗ trợ cây giống, con giống đều được anh tiếp thu và báo cáo với cấp trên trong những cuộc họp thôn, nhờ đó, những đề xuất của người dân nhanh chóng đến được với các cấp. Phát huy từ những chuyến tham quan học hỏi mô hình sản xuất hay do Phòng Dân tộc huyện tổ chức, anh truyền đạt lại cho bà con để thông qua đó cùng phát triển kinh tế.

Có thời điểm, đàn trâu bò của gia đình anh lên đến 30 con, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Có thời điểm, đàn trâu bò của gia đình anh lên đến 30 con, trị giá hàng trăm triệu đồng

Ở địa Phương, anh Lắm được xem như người hòa giải “mát tay" của thôn. Trong những năm qua, anh cùng với cán bộ địa phương tham gia hàng trăm vụ hòa giải, trong đó, nhiều vụ hòa giải thành công. “Ở địa phương cũng hay xuất hiện tình trạng nhiều người mâu thuẫn về đất đai, về trâu bò ăn lúa của nhà khác, rồi những chuyện xích mích trong gia đình. Là Người có uy tín, tôi cũng đã kịp thời nắm bắt tình hình, cùng chính quyền trong việc hòa giải, đem lại tiếng nói chung, từ đó xóa bỏ mâu thuẫn”, anh Lắm chia sẻ.

Theo anh Lắm, đối với những mâu thuẫn về đất đai trong gia đình, anh thường gặp gỡ, động viên những người trong gia đình trước hết hòa giải bằng cái tình. Nếu sự việc không được giải quyết, lúc đó thôn sẽ đứng ra hòa giải. “Phần lớn, sau khi hòa giải, người dân đều thông cảm và bỏ qua cho nhau. Nếu không thì thực hiện theo hương ước, ví dụ như gia đình có trâu bò ăn hoa màu của nhà khác phải trả 500.000 đồng, để đền bù”, anh Lắm nói.

Đối với một số tập tục không còn phù hợp với đời sống hiện nay, anh Lắm cùng với lực lượng Người có uy tín ở địa phương cũng đứng ra tuyên truyền, bãi bỏ một số tập tục này. “Trước đây, đồng bào hay đâm trâu, để cúng chữa bệnh, vừa tốn kém vừa không có kết quả. Mình đứng ra tuyên truyền, vận động người dân nên đưa người bệnh đến bệnh viện để bác sỹ chữa trị, không nên tin vào những điều mê tín”, anh Lắm nói.

Ông Nguyễn Văn Tường, cán bộ Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, cho biết: Người có uy tín Hồ Văn Lắm, là một trong những điển hình về làm kinh tế ở địa phương, ngoài ra anh còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con vươn lên phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn lực lượng Người có uy tín trên địa bàn huyện nói chung, và anh Hồ Văn Lắm tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần làm cho bản, làng ngày càng tốt đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...