Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Gia (Lạng Sơn): Lồng ghép hiệu quả nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia

Thúy Hồng - 17:36, 06/11/2024

Xác định công tác giảm nghèo là mục tiêu quan trọng, những năm qua huyện Bình Gia đã thực hiện lồng ghép hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, giúp người dân thụ hưởng các chính sách kịp thời, hiệu quả, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần vào công tác giảm nghèo của tỉnh.

Một góc thị trấn Bình Gia
Một góc thị trấn Bình Gia

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Gia, trong năm 2024, tổng kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện là trên 284,3 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là trên 249,3 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư phát triển trên 155 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 94,3 tỷ đồng; ngân sách địa phương là trên 34,9 tỷ đồng. 

Từ nguồn lực được đầu tư, huyện Bình Gia đã tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn, thủy lợi, cơ sở khám chữa bệnh, trường học… Trong đó ưu tiên cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng, phát triển sản xuất, kết nối giao thương, nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội thiết yếu của người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Ông Nông Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã tập trung đầu tư hỗ trợ cho các vùng có tỷ lệ nghèo cao, cơ sở hạ tầng khó khăn. Ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với đào tạo dạy nghề, tạo việc làm, phát triển nông-lâm nghiệp, dịch vụ, giao thông, thủy lợi và các chương trình về y tế, chăm sóc trẻ em, giáo dục… Qua đó tạo điều kiện cho các hộ nghèo vùng khó khăn từng bước cải thiện đời sống, tiếp cận các dịch vụ cơ bản.

Người dân xã Hoa Thám, huyện Bình Gia được nhận hỗ trợ giống cây hồi để phát triển sản xuất
Người dân xã Hoa Thám, huyện Bình Gia được nhận hỗ trợ giống cây hồi để phát triển sản xuất

Từ sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện, các cơ quan chuyên môn đã tập trung thực hiện các nội dung liên quan. Theo đó từ năm 2021 đến nay, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã triển khai xây dựng 156 công trình (gồm các công trình giao thông, trường học, điện, thủy lợi, y tế, cơ sở vật chất văn hóa…) với tổng mức đầu tư khoảng 408 tỷ đồng. Đến nay, đã có 125 công trình hoàn thành, 31 công trình còn lại hiện đã khởi công và tiến độ bình quân đạt 25%. Các công trình được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân.

Minh chứng như tại xã Hoa Thám, là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, trong năm 2024 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xã được phân bổ nguồn vốn trên 11,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, xã đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng giao thông nông thôn, đường điện, tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn của xã. Đặc biệt từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất như: hỗ trợ trồng cây hồi, cây quế, hỗ trợ chăn nuôi lợn.... đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sinh kế cho người dân để từng bước nâng thu nhập.

Theo ông Nguyễn Tuấn Uy, Chủ tịch UBND xã Hoa Thám cho biết: Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đã tạo nguồn lực đáng kể để xã phát triển kinh tế- xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nhờ đó, năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo còn 12,69%, thu nhập bình quân đầu người 45,32 triệu/người/năm. Phấn đấu đến cuối năm 2024, Hoa Thám sẽ thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, về đích nông thôn mới.

Người dân được hỗ trợ phân bón để phát triển sản xuất
Người dân được hỗ trợ phân bón để phát triển sản xuất

Ông Công Văn Thạo, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Thẳm, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia cho biết: Trước đây, tuyến đường thôn Bản Thẳm nhỏ hẹp đi lại rất khó khăn, thôn được Nhà nước đầu tư xây dựng trục chính đường bê tông dài 2km, rộng 3m giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Hiện nay thôn vừa được hỗ trợ nguyên vật liệu để bê tông hóa các nhánh đường vào các nhóm hộ dân trong thôn tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện.

Tương tự tại xã Hồng Phong, từ nguồn lực đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp xã Hồng Phong củng cố hạ tầng, người dân có điều kiện phát triển sản xuất các mô hình kinh tế như: trồng rừng, ươm cây giống, nuôi cá lồng… Qua đó, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 5,62%. Đầu năm 2024, Hồng Phong đã được công nhận là xã Nông thôn mới.

Đường giao thông nông thôn ở các xã của huyện Bình Gia được đầu tư xây dựng khang trang
Đường giao thông nông thôn ở các xã của huyện Bình Gia được đầu tư xây dựng khang trang

Từ những kết quả tích cực đã đạt được việc lồng ghép thực hiện hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã củng cố, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế ổn định cho người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Bình Gia cho biết: Từ việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Cụ thể đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 14,78%, giảm 11,67% so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng 4 triệu đồng so với năm 2021; 9/18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới…

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.