Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bình Định: Xác định thứ tự dự án, công trình ưu tiên đầu tư để đến năm 2025 không còn huyện nghèo

Thành Nhân - 19:08, 21/06/2023

Tỉnh Bình Định có 3 huyện miền núi là Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão có đông đồng bào DTTS sinh sống. Những năm qua, từ triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình chính sách dân tộc, đời sống người dân miền núi đã có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên đến nay, huyện miền núi An Lão vẫn trong tình trạng là huyện nghèo. Theo đó, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, đồng thời xác định rõ thứ tự ưu tiên thực hiện từng dự án, công trình, không đầu tư dàn trải, nhằm củng cố phát triển bền vững các huyện miền núi, trong đó quyết tâm đến năm 2025 đưa An Lão thoát nghèo.

Huyện An Lão đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản, khang trang
Huyện An Lão đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản, khang trang

Trong những giải pháp, thì việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) là cú hích quan trọng để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân miền núi. Vì thế, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cấp ngành tập trung triển khai. 

Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh kiện toàn bộ máy tổ chức, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần, gồm: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư; bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình các cấp; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi...

Mục tiêu chung của tỉnh Bình Định là đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3 - 4%; phấn đấu khoảng 10 xã và 4 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; giữ vững 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 95% đường ở thôn được bê tông hóa, cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ DTTS hộ nghèo; phấn đấu xóa nhà tạm, dột nát cho 100% số hộ DTTS nghèo.

Riêng huyện An Lão, triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh đã đề ra nhiều nội dung quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân gồm: Công trình giao thông, hạ tầng điện; công trình giáo dục đạt chuẩn quốc gia; công trình y tế đạt chuẩn quốc gia; công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao; công trình xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội khác được đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc dân tộc, văn hóa, nhu cầu của cộng đồng...

Bên cạnh đó, nhằm giúp người dân có sinh kế ổn định, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế nông hộ như, chăn nuôi bò, nhím, trồng bưởi da xanh, trồng cây dược liệu dưới tán rừng… 

Anh Đinh Văn Gôn, người Hre, ở xã An Hưng chia sẻ: Người dân nơi đây bao đời quần quật làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ nên cùng lắm là đủ ăn, không thể dư giả. Được Nhà nước hỗ trợ vay vốn, gia đình anh đầu tư trồng 3 ha keo, bình quân mỗi năm thu về hơn 50 triệu đồng. Có vốn, gia đình anh tiến hành xây dựng chuồng trại kiên cố để nuôi 15 con bò, đào 60 m2 ao thả cá, thu nhập khoản 70 triệu đồng. Tổng cộng cả năm, gia đình anh thu về hơn 120 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, con cái ăn học đến nơi đến chốn.

Ông Đinh Văn Gôn đang chăm sóc đàn bò của mình
Anh Đinh Văn Gôn chăm chỉ chăm sóc đàn bò của gia đình

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Tùng Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyên An Lão cho biết: Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao, khoảng 29%, trong đó, 70% là đồng bào DTTS. Huyện đang xây dựng “Đề án giảm nghèo giai đoạn 2023 - 2025”. Trước mắt, địa phương ưu tiên cấp đất sản xuất cho gần 1.700 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, phát động người dân tham gia xuất khẩu lao động để có cuộc sống ổn định. Huyện cũng đang nghiên cứu đề xuất với tỉnh có cơ chế đặc thù với huyện để phát triển gần 1.000 ha trồng dược liệu dưới tán rừng. Đây là bài toán sinh kế lâu dài cho bà con.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhìn nhận, việc triển khai các đề án, chương trình thoát nghèo tại các huyện miền núi thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Các địa phương đều có nhiều chương trình, đề án thoát nghèo nhưng thiếu sự phối hợp, nên hiệu quả không cao, dân thì chưa thoát nghèo. “Cái gì cũng làm, nhưng hiệu quả thực tế lại là dân vẫn cứ nghèo thế", Bí thư Tỉnh ủy nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, UBND tỉnh cần xây dựng cơ chế lồng ghép các Chương trình MTQG. Riêng huyện An Lão cần có định hướng cụ thể về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và có hướng giải quyết căn cơ về sinh kế, nhân rộng các mô hình kinh tế cho người dân thực hiện để thoát nghèo. "Trong các Chương trình MTQG, huyện phải thực hiện cụ thể và xác định rõ thứ tự ưu tiên thực hiện từng dự án, công trình, không làm dàn trải”, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Ngày 07/11, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh đồng loạt khai giảng nhiều khóa bồi dưỡng tiếng Khmer năm 2024, với 160 học viên là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương tham gia. Các khóa học diễn ra tại các địa bàn: huyện Giồng Giềng, TP. Rạch Giá và TP. Hà Tiên.