Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang chia sẻ: “Điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh hậu Covid-19 đó chính là tranh thủ thời cơ và tạo ra sự khác biệt, mạnh dạn và quyết tâm mở cửa để phục hồi và phát triển. Trong đó, xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều cách làm mới. Từ chỗ du lịch Bình Định còn rất mờ nhạt trong bản đồ du lịch Việt Nam, UBND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với 4 hãng hàng không và 3 công ty lữ hành lớn của quốc gia, là Sài Gòn Tourist, Hà Nội Tourist và Viettravel”.
Bình định cũng tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới và làm mới các sản phẩm du lịch đã có cho phù hợp với bối cảnh mới và các nhóm đối tượng. Chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ bằng việc xây dựng hệ thống các tiêu chí nâng cao và khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký thực hiện.
“Một loại hình du lịch mới là du lịch hội nghị, hội thảo (gọi tắt là du lịch MICE) được khuyến khích phát triển với tâm điểm là Trung tâm khoa học và giáo dục liên ngành ICISE và Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo”, lãnh đạo tỉnh Bình Định dẫn chứng và cho rằng, sức hút chính của du lịch Bình Định giai đoạn vừa qua chính là sự nâng cấp và hoàn thiện về cơ sở hạ tầng; sự thân thiện và mến khách của con người Bình Định. Bên cạnh đó, là vẻ đẹp hoang sơ, gần như còn nguyên vẹn của môi trường tự nhiên và những di sản vật thể, phi vật thể của văn hóa, lịch sử riêng có của Bình Định… Nhưng quan trọng nhất, đó là sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền, sự đồng hành, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong phát triển du lịch xanh và bền vững.
Có thể thấy thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Bình Định những bờ biển đẹp và nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhưng Bình Định cũng là địa phương đang chịu ảnh hưởng không nhỏ của biến đổi khí hậu. Liên quan đến vấn về này, Gs.Ts. Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam đánh giá: “Du lịch biển là điểm nhấn của Bình Định, tuy nhiên nó cũng là cái hạn chế, đó là quá tập trung vào du lịch biển mà quên những tiềm năng khác về lịch sử, văn hóa của Bình Định. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu tác động đến sự phát triển du lịch, hạ tầng du lịch.
Với góc nhìn đó, tỉnh Bình Định đã lựa chọn cách phát triển du lịch địa phương thông qua một sự kiện thể thao quốc tế với thông điệp “Hành trình phủ xanh biển”, thì Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Cục TDTT Việt Nam - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam Nguyễn Hải Đường nhìn nhận: Với thể thao đua thuyền, đây là giải pháp cụ thể trong việc thúc đẩy, xúc tiến các hoạt động du lịch. “Để quảng bá hình ảnh đất nước, danh lam thắng cảnh gắn với các hoạt động thể thao sẽ tạo tính lan tỏa rất lớn, đặc biệt trong xã hội 4.0 hiện nay. “Chúng tôi rất vinh dự cùng tỉnh Bình Định, Công ty Cổ phần Bình Định F1 tổ chức “Giải đua Thuyền buồm Quốc tế và Ván chèo đứng Quy Nhơn 2023”, tuy nhiên điều quan trọng đây là môn thể thao dưới nước, nên cần giữ gìn nguồn nước sạch và bảo vệ môi tường”, ông Nguyễn Hải Đường nhấn mạnh.
Đề cập đến “Giải đua Thuyền buồm Quốc tế và Ván chèo đứng Quy Nhơn 2023”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bình Định F1 Trần Việt Anh cho biết: “Với giải đấu lần này là một bộ môn thi đấu vẫn còn mới lạ ở Việt Nam, từ nội dung bộ môn cho tới khâu tổ chức. Chắc chắn là sẽ có thêm những xu hướng mới gắn với việc phát triển du lịch từ các sự kiện thể thao”.
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bình Định F1, có hai đối tượng mà giải đua thuyền hướng đến là du khách trong nước và quốc tế. Sự kiện mang tầm cỡ quốc tế lần này là chuỗi sự kiện (hội nghị, hội thảo, hoạt động thể thao, Festival…). Hơn nữa, đây không phải là sự kiện thể thao đơn thuần mà là kinh tế thể thao (ở các nước khác kinh tế thể thao đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội).
“Chúng tôi mong muốn với điều kiện dân sinh ngày càng nâng cao, cũng như muốn quảng bá thêm các sự kiện mang tính tốc độ, thể thao mạo hiểm. Đây là sự kiện khởi đầu cho sự kiện chính vào tháng 3 năm sau và là cơ hội để các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào Bình Định để phát triển kinh tế thể thao”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bình Định F1 chỉ ra.