Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Định: Tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân vùng khó khăn

Lê Phương - 15:21, 09/03/2023

Thời gian qua, các cấp ngành của tỉnh Bình Định đã chú trọng đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân địa phương, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng khó khăn. Qua đó, góp phần giúp người dân “gỡ” nhiều vướng mắc trong cuộc sống.

Một buổi trợ giúp pháp lý tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh
Một buổi trợ giúp pháp lý tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh

Xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, với gần 90% dân số là đồng bào DTTS Ba Na, do đời sống còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật còn hạn chế, nhiều phong tục tập quán lạc hậu vẫn chưa được cải tiến, nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc vi phạm pháp luật tại địa phương.

Để nâng cao nhận thức cho người dân, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn xã quan tâm và chú trọng tuyên truyền với nhiều cách làm hay và hiệu quả. Đặc biệt là tổ chức được những buổi truyên truyền, TGPL lưu động. Chị Đinh Thị Chép, ở làng Kon Giang bộc bạch: Nhờ có các cán bộ về làng để tuyên truyền phổ biến pháp luật, nên dân làng chúng tôi hiểu biết hơn về các luật để không còn vi phạm.

Mới đây, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Định phối hợp với các ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh, tổ chức tuyên truyền pháp luật và TGPL lưu động cho đồng bào DTTS ở làng 1 và làng 4 (xã Vĩnh Thuận). Các trợ giúp viên pháp lý tuyên truyền, phổ biến đến người dân nhiều quy định pháp luật liên quan, thiết thực trong cuộc sống hằng ngày, như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Người khuyết tật; các quy định của pháp luật về đất đai, dân sự; hôn nhân và gia đình; chế độ chính sách đối với người có công, chế độ bảo trợ xã hội, đăng ký và quản lý hộ tịch, hộ khẩu...

Những buổi TGPL được tổ chức tại vùng sâu, vùng xa luôn thu hút được nhiều người dân tham gia
Những buổi TGPL được tổ chức tại vùng sâu, vùng xa luôn thu hút được nhiều người dân tham gia

Những kiến thức pháp luật này được các trợ giúp viên pháp lý trình bày cụ thể, rõ ràng; giúp người dân áp dụng vào cuộc sống, tránh thực hiện những hành vi, việc làm vi phạm pháp luật. Ngoài ra, việc người dân đặt câu hỏi, các trợ giúp viên pháp lý trực tiếp trả lời cũng giải tỏa kịp thời những vướng mắc về pháp luật của bà con.

Ông Đinh Những ở làng 4, xã Vĩnh Thuận, chia sẻ: Được nghe trợ giúp viên tuyên truyền, phổ biến, tôi hiểu biết thêm nhiều kiến thức pháp luật. Chẳng hạn như la chửi, đánh vợ, con là hành vi vi phạm pháp luật; đưa xe máy cho người dưới 18 tuổi điều khiển nếu lỡ xảy ra tai nạn, thì chủ xe cũng sẽ bị xử lý. Những kiến thức này giúp tôi và nhiều bà con khác áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, tránh những việc làm vi phạm không đáng có.

Theo Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Định, đến nay, 159 xã với hàng trăm thôn, làng trên địa bàn tỉnh đều có dấu chân của những người làm công tác TGPL. Hoạt động TGPL lưu động đã hiện diện ở các địa bàn xa xôi, cách trở, như: Xã An Toàn (huyện An Lão); xã Canh Liên (huyện Vân Canh); xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh); xã đảo Nhơn Châu (Tp. Quy Nhơn)… trong năm 2022, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh và các chi nhánh của Trung tâm thực hiện TGPL 2.366 việc, vụ việc cho 2.366 người có yêu cầu được TGPL.

 Ngoài ra, Trung tâm và các chi nhánh phối hợp với chính quyền 11 huyện, thị xã, thành phố tổ chức 116 đợt TGPL lưu động tại các thôn, làng, khu dân cư của 100 phường, xã, thị trấn. Tổ chức 130 buổi tuyên truyền pháp luật với hơn 6.400 lượt người tham dự tại 119 điểm, thôn, làng, khu dân cư.

Ông Lê Thành Trung, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bình Định cho biết: Hiện nay, phần lớn các nội dung vướng mắc pháp luật của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai; chế độ chính sách; thừa kế… Khi người dân thắc mắc, một số cán bộ ở cấp xã giải thích chưa rõ ràng, khiến người dân bức xúc, khiếu nại. Hoạt động TGPL lưu động với các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật trực tiếp ở khu dân cư, đã góp phần tích cực trong việc tháo gỡ vướng mắc, giảm đơn thư khiếu nại vượt cấp.

“Thời gian tới, Trung tâm tăng cường hoạt động TGPL lưu động; bảo đảm 100% các xã thuộc huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, các xã miền núi được tổ chức TGPL lưu động ít nhất 1 lần trong năm”, ôngTrung cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.