Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Định: Sẽ tu bổ, tôn tạo Di tích lăng mộ ông nội Hoàng đế Quang Trung

T.Nhân-H.Trường - 20:23, 10/05/2025

UBND tỉnh Bình Định đã có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Lăng mộ hiển tổ khảo Tây Sơn tam kiệt, thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Lăng mộ này đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận Di tích cấp tỉnh năm 2012.

Theo tài liệu của Bảo tàng Quang Trung, năm 1990, trong quá trình cải tạo đồng ruộng, người dân địa phương phát hiện tấm bia bị chôn vùi dưới đất, cách ngôi mộ cổ tại thôn Phú Lạc chừng 6m về phía Bắc. Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp Bảo tàng Quang Trung tiến hành khai quật, nghiên cứu gốc tích tấm bia và đưa về trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung.

Lăng mộ hiển tổ khảo Tây Sơn tam kiệt, thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn
Lăng mộ hiển tổ khảo Tây Sơn tam kiệt, thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn

Cụ thể, bia mộ nói trên được khắc trên tảng đá nặng khoảng 200 - 250kg, cao 125cm, rộng 69cm, dày 13cm. Chân bia có mộng cắm vào đế đá bia của lăng mộ. Mặt bia khắc chìm 3 dòng chữ Hán. Dòng chữ lớn ở giữa “Việt cố hoàng hiển tổ khảo cương nghị mưu lược minh triết công chi lăng” được dịch nghĩa: Lăng mộ ông nội đã qua đời của nhà vua nước Việt, ông là một vị minh triết, cương nghị, mưu lược. Trong đó, các chữ “Việt cố hoàng hiển tổ khảo” có dấu vết bị đục xóa. Dòng chữ bên trái “Tuế thứ Kỷ Hợi trọng xuân cốc nhật”, được dịch nghĩa: Ngày lành tháng hai năm Kỷ Hợi. Dòng chữ bên phải “Ngự chế” nghĩa là: Nhà vua tạo lập.

Còn ngôi mộ cổ nằm theo hướng Bắc - Nam, chất liệu vôi, dài 1,6m, có thành nội, thành ngoại với khoảng cách 60cm và cách mộ chừng 4 -  m có dấu vết thành thứ 3. Vị trí ngôi mộ cách di tích Gò Lăng (khu vườn cũ của vợ chồng ông Hồ Phi Phúc, thân sinh của Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) khoảng 200m về hướng Đông Nam.

Từ bia mộ cùng với khảo chứng về gia hệ và các sự kiện lịch sử nhà Tây Sơn, các nhà nghiên cứu xác định đây là mộ ông nội anh em nhà Tây Sơn, tức ông Hồ Phi Tiễn. Sau khi lên ngôi, tháng 2/1779 (năm Kỷ Hợi), Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc của nhà Tây Sơn đã tu tảo phần mộ tổ tiên tại quê hương Phú Lạc, xây dựng lăng mộ ông nội (hiển tổ khảo). Sau khi nhà Tây Sơn mất, nhiều di tích của gia đình Tây Sơn tam kiệt bị san bằng. Bia mộ ông nội của Tây Sơn tam kiệt bị đục khoét một số chữ chính và được tháo gỡ đem chôn phía trước lăng mộ với mục đích che mắt chính quyền nhà Nguyễn.

Như vậy, Di tích Lăng mộ ông nội Hoàng đế Quang Trung mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Vì thế, UBND tỉnh Bình Định đã có Quyết định đầu tư tu bổ và tôn tạo Di tích này. Theo đó, dự án được thực hiện trên khu đất rộng 2.353m2 (trong đó đất hiện trạng di tích 898,5m2), dự kiến tổng mức đầu tư hơn 6,3 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2025 - 2026.

Dự án gồm nhiều hạng mục, trong đó mộ hiển tổ khảo Tây Sơn tam kiệt giữ lại như cũ, chuyển bia mộ từ Bảo tàng Quang Trung (TT. Phú Phong, H.Tây Sơn) sang đặt ở vị trí cũ. Dự án sẽ xây dựng mới 4 trụ biểu lối vào mộ, hoàn thiện hoa văn họa tiết truyền thống cho 4 mặt trụ biểu (long, lân, quy, phụng; tùng, trúc, cúc, mai), xây mới nhà bia, lư hương và ban thờ được làm bằng đá xanh…

Tin cùng chuyên mục
Hà Giang: Chương trình MTQG 1719 đạt được nhiều kết quả quan trọng trong giai đoạn I

Hà Giang: Chương trình MTQG 1719 đạt được nhiều kết quả quan trọng trong giai đoạn I

Ngày 14/5, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II, từ năm 2026 - 2030, trên địa bàn tỉnh.