Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tìm trong di sản

Bình Định: Khai quật đợt 2 tại phế tích Đại Hữu

T.Nhân - 18:20, 12/05/2024

Sau khi được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho phép, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học đã tổ chức khai quật khảo cổ đợt 2 tại phế tích Đại Hữu, thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Phế tích Đại Hữu tại thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định
Phế tích Đại Hữu tại thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

Theo đó, thời gian khai quật từ ngày 9/5 - 10/7/2024, trên diện tích 300 m2. Chủ trì khai quật là ông Phạm Văn Triệu - Viện Khảo cổ học.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật khảo cổ, Bảo tàng tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật khảo cổ, Bảo tàng tỉnh Bình Định và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm, gửi về Bộ VHTT&DL. Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.

Một số hiện vật được phát hiện tại phế tích Đại Hữu từ đợt khai quật năm 2023
Một số hiện vật được phát hiện tại phế tích Đại Hữu từ đợt khai quật năm 2023

Được biết, vào giữa năm 2023, Bộ VHTT&DL có Quyết định số 1023/QĐ-BVHTTDL cấp phép cho Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật khảo cổ phế tích tháp Đại Hữu, với diện tích khai quật 200 m2 từ ngày 25/4 - 15/6/2023. Quá trình khai quật phát hiện được số lượng 102 hiện vật đá với nhiều loại hình và kích thước khác nhau. Về chất liệu đá có 3 loại, là đá cát kết, đá hoa cương và đá ong. Trong đó, những hiện vật có trang trí được tạc trên đá cát kết bao gồm: Bệ thờ, bia ký, phù điêu trang trí hình người, phù điêu trang trí hình động vật, phù điêu trang trí hình cánh sen…

Tại buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ phế tích tháp Đại Hữu năm ngoái, Ts. Phạm Văn Triệu - Phó trưởng Phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) thông tin: Phế tích tháp Chăm Đại Hữu xuất hiện hố thiêng, đây được xem là kiến trúc trung tâm của ngôi tháp, nằm sâu dưới nền gạch kiến trúc tháp và là nơi diễn ra những nghi thức đầu tiên trước khi tiến hành xây dựng ngôi tháp, cho nên đây được xem là nơi linh thiêng nhất. 

Qua kiến trúc xuất lộ trong hố khai quật cho thấy, tường phía Bắc và phía Nam đều có độ dày là 3m, khoảng cách hai tường là 3,8m. Trong kiến trúc Champa, các tháp thường có bình đồ hình vuông, từ đó có thể suy ra rằng mỗi cạnh của tường tháp tại phế tích tháp Đại Hữu là 9,8m.