Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đừng để di tích thành phế tích

Lê Phương - 15:53, 26/09/2020

Hơn 22 năm, kể từ ngày được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, di tích Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ, TP. Quy Nhơn (Bình Định) vẫn chưa được quan tâm tu bổ nên đã xuống cấp nghiêm trọng, đang dần bị quên lãng. Thậm chí nhiều người dân sống gần khu vực cũng không biết đến sự tồn tại của di tích lịch sử này.

Di tích lịch sử quốc gia Nhà tù số 9 Đào Duy Từ (màu vàng) nhìn không khác gì một ngôi nhà hoang
Di tích lịch sử quốc gia Nhà tù số 9 Đào Duy Từ (màu vàng) nhìn không khác gì một ngôi nhà hoang

Nơi ghi dấu những ký ức khó quên

Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ do chế độ cũ lập ra từ năm 1955 để giam cầm cán bộ, đảng viên, những người kháng chiến cũ, những đồng bào yêu nước. Tính đến tháng 4/1957, số tù nhân nơi đây lên đến 2.000 người. Tại xà lim này, nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì thiếu ăn, thiếu nước uống và thiếu không khí để thở; những người còn sống sót thì bệnh tật, tàn phế suốt đời.

Với diện tích khoảng 120m2, di tích gồm 2 nhà: Nhà trước và Nhà sau. Giữa hai nhà là một sân cát. Bên cạnh sân cát có 2 buồng, nguyên trước đó là buồng bếp (4,87m2) và buồng vệ sinh (3,19m2) của ngôi nhà này. Địch đã sử dụng 2 căn buồng này làm hai xà lim, gọi là xà lim 1 và xà lim 2, để nhốt những tù nhân mà chúng cho là thành phần nguy hiểm. Tại đây, bọn quản đốc phân tù nhân thành 3 loại: loại 1, chúng nhốt trong các xà lim (biệt phòng); loại 2, là tù quản thúc quản chế; loại 3, là tù phải đi lao công hành dịch. Nhắc đến Xà lim 1 của Nhà tù số 9 là một nơi khủng khiếp nhất. Diện tích chỉ có 4,87m2, nhưng địch nhốt thường xuyên hơn 20 người. Có đợt cao điểm, chúng tống giam vào đây cả nam lẫn nữ lên đến 37 người.

Theo hồi ức của các cựu tù chính trị đã từng bị giam giữ nơi đây, cái ngột ngạt, nóng bức, hôi thối trong xà lim còn khó chịu hơn cả mùi xác chết lâu ngày. Hằng ngày hơi người bốc đọng lên vách, lên trần, đọng thành nước nhỏ xuống nền nhà suốt ngày đêm. Những người bị nhốt vào đây chỉ trong vòng một tuần lễ là hình thù biến dạng, tóc rụng, sói đầu, mắt trõm sâu, ù tai, ghẻ lở mọc đầy người.

Ngoài giam cầm, chúng còn sử dụng nhiều hình thức tra tấn man rợ khác để hành hạ tù chính trị. Di tích Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ là bằng chứng khẳng định tội ác dã man của kẻ thù, minh chứng hùng hồn cho tinh thần đấu tranh bất khuất của tập thể tù nhân. Vì thế, năm 1998, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ là di tích lịch sử quốc gia để cho các thế hệ hôm nay và mai sau đến tưởng nhớ vong linh các Anh hùng liệt sĩ - những người đã xả thân, hy sinh vì Tổ quốc.

 Một số hiện vật ít ỏi còn sót lại được trưng bày tại Di tích nhà tù số 9 Đào Duy Từ
Một số hiện vật ít ỏi còn sót lại được trưng bày tại Di tích nhà tù số 9 Đào Duy Từ

Đừng để di tích thành phế tích

Theo Bảo tàng Bình Định, sau khi được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ đã được tu sửa, phục chế. Tuy nhiên, qua nhiều năm, đến nay hiện trạng di tích đang bị xuống cấp nặng. Các vách tường bị bong rộp từng mảng, thấm ướt mỗi khi có mưa; hệ thống đà gỗ, mái ngói bị mục, hư hỏng nghiêm trọng… ảnh hưởng đến công tác lưu trữ, bảo vệ các tài liệu, hiện vật đang trưng bày trong di tích.

Đến tìm hiểu hiện trạng của di tích, chúng tôi không vào được bên trong vì cửa đã khóa. Nhìn bên ngoài, di tích này không khác gì một ngôi nhà hoang. Trước cổng di tích, nền bê tông bị bong tróc và bị lấn chiếm bởi các chậu cây trồng của người dân; bảng hiệu bị cây cối che khuất; tường gạch mốc meo. Một số hộ dân sống gần di tích cho hay: Đã lâu lắm rồi, không thấy một ai trông coi và mở cửa để người dân, du khách đến thăm quan. Ngôi nhà lúc nào cũng tối om, ẩm thấp, chúng tôi sống ở đây lâu năm nhưng nhìn vào cũng thấy sợ.

Tuy là di tích lịch sử quốc gia nhưng thường xuyên trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Lý giải về điều này, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết: Sau khi được xếp hạng, chúng tôi đã tiến hành sửa chữa lại và bổ sung trưng bày thêm hiện vật cho di tích để tái hiện lại phần nào không gian của nhà tù. “Tuy nhiên, để di tích này được mở cửa thường xuyên thì cần tu bổ các hạng mục bị xuống cấp, phục dựng lại các dụng cụ và hình thức tra tấn tù nhân. Làm được như vậy, nơi đây sẽ trở thành một điểm đến thu hút học sinh và du khách đến thăm quan”, ông Bùi Tĩnh chia sẻ thêm. 

Trong khi đó, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định cho biết, mới đây, các ngành chức năng của tỉnh đã họp, cho ý kiến sẽ khảo sát, kiểm tra và đánh giá lại thực trạng, nhằm sớm tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương sửa chữa, nâng cấp lại di tích Nhà tù số 9 - Đào Duy Từ. Mong rằng chủ trương này sớm trở thành hiện thực. Bởi nếu không tiến hành nhanh thì không bao lâu nữa di tích này có nguy cơ thành phế tích.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.