Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Bình Định: Hậu quả từ đợt hạn hán lịch sử

PV - 09:11, 01/08/2019

Người dân Bình Định đang phải đối mặt với hạn hán lịch sử căng thẳng nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến lượng nước tại hầu hết các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh ở dưới mực nước chết, ruộng đồng nứt nẻ còn người dân thì không có nước sinh hoạt, cuộc sống rất khó khăn.

Đồng khô...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có 165 hồ chứa thủy lợi nhưng 140 hồ đã cạn nước, dung tích nước 25 hồ chứa còn lại chỉ đạt 24,0% thiết kế. Trong khi đó, nắng nóng liên tục đã khiến 11.445ha lúa vụ thu thiếu nước. Dù người dân đang triển khai nhiều biện pháp chống hạn, song vẫn có khoảng 481ha lúa bị chết, còn lại 4.064ha phải tiếp tục chống hạn. Nếu thời tiết nắng nóng và vẫn không có mưa thì đến ngày 30/7, tổng diện tích lúa bị chết dự kiến tăng thêm 1.123ha. Nông dân Bình Định đang chạy đua với thời gian, lắp các trạm bơm dã chiến, ngày đêm bơm nước để cứu lúa.

Hàng trăm ha lúa ở Bình Định khô nức nẻ vì thiếu nước. Hàng trăm ha lúa ở Bình Định khô nức nẻ vì thiếu nước.

Tại vùng nông thôn huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định), nắng nóng đã khiến hàng trăm ha cây trồng bị khô hạn. Riêng diện tích lúa có gần 200ha đã bị chết khô hoặc thiếu nước nghiêm trọng, trên 420ha lúa và các loại hoa màu không đảm bảo nước tưới đến cuối tháng 7. Trong khi đó, nhiều chân ruộng đã nứt chân chim, lúa mới sạ chết khô không thể cứu vãn, diện tích khô hạn tập trung chủ yếu tại các xã Ân Hảo Tây, Ân Tín, Ân Hữu, Ân Đức.

Theo ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, đến nay, hầu hết các hồ chứa nước lớn đã cạn trơ đáy nên hạn hán không chỉ ảnh hưởng tới cây trồng mà cả nước sinh hoạt. UBND huyện Hoài Ân vừa phải trích ngân sách hàng tỷ đồng để triển khai các biện pháp cấp bách chống hạn. Hiện, 66 trạm bơm chuyên dụng phải hoạt động hết công suất để tìm nguồn nước giải cứu các diện tích lúa chết cháy.

Tại cánh đồng lúa thôn Nhận An Đông, xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), ông Trần An Diêm, người dân trồng lúa cho biết: Khu vực này gần một nửa diện tích lúa đã bị chết cháy do không có nước, phải cắt cho trâu, bò ăn. Tiếc của, tiếc công vì lúa chỉ 30 ngày nữa là có thể thu hoạch, 4 gia đình chung nhau 6 triệu đồng khoan 1 giếng để lấy nước tưới với hy vọng, cứu được chừng nào hay chừng đó.

“Bây giờ nhiều khu vực đã khô nước hết rồi, nước ở đập dâng sông Lại Giang không có tới đây. Tiếc công sức bỏ ra, chúng tôi phải tự bỏ tiền để đóng giếng cứu hạn thôi, chứ không thì đồng chết cháy”, ông Diêm nói.

Tại huyện Phù Mỹ cũng có hàng trăm ha lúa chết cháy; nghiêm trọng nhất, tại trạm bơm Chánh Khoan (huyện Phù Mỹ) lấy nước từ đầm Trà Ổ đến nay, mực nước hồ xuống thấp đã khiến 186ha lúa bị khô héo.

Người khát

Đợt nắng hạn lịch sử không chỉ khiến cho những cánh đồng ở Bình Định cháy khô, nứt nẻ mà cuộc sống của người dân cũng đang quay cuồng với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định cho thấy, toàn tỉnh có 10.062 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; điển hình như ở huyện Hoài Nhơn có tới 4.925 hộ không có nước sinh hoạt, Phù Mỹ 2.729 hộ… Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi, nắng hạn kéo dài thì đến cuối tháng 7, số hộ dân thiếu nước sinh hoạt toàn tỉnh sẽ tăng lên con số 11.396 hộ.

Đơn cử như tại xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ), Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh Lê Văn Toản, cho biết: Xã có 2.185 hộ dân ở 14 thôn thiếu nước từ nhiều tháng qua, nghiêm trọng nhất là các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2 và An Xuyên 3. Hằng ngày, người dân phải đi các địa phương lân cận mua từng can nước sạch về dùng. Xã đang thống kê cụ thể số hộ bị thiếu nước, báo cáo và đề xuất UBND huyện hỗ trợ nước sạch cho Nhân dân.

Tương tự, tại huyện Hoài Nhơn, hồ Mỹ Bình là hồ nước ngọt lớn nhất huyện nhưng hơn 1 tháng nay đã xuống mực nước chết. Hơn 5.000 hộ dân ở vùng Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các địa phương trong tỉnh ngày càng nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chia sẻ nguồn nước, giúp nhau vượt qua khó khăn. Ngoài ra, các địa phương vận động người dân đào vét giếng, khoan giếng để lấy nước ngầm; mở rộng mạng lưới cấp nước tại các nhà máy nước sạch trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NN&PTNT rà soát, thống kê cụ thể từng vùng, từng hộ dân. Từ đó, tỉnh sẽ đề nghị lực lượng Công an, Quân đội dùng các xe chuyên dụng để vận chuyển nước sạch đến tiếp tế cho các hộ dân thiếu nước, tránh tình trạng người dân tự mua nước sinh hoạt không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng gây nguy cơ dịch bệnh.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu, UBND các huyện khoanh vùng địa điểm thiếu nước nghiêm trọng, qua đó, tỉnh có kế hoạch mở rộng mạng lưới nước sạch, cung cấp cho người dân những năm tiếp theo.

ĐẠT THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!