Rào cản tâm lý
Chị Bùi Thị H., dân tộc Mường, ở xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) tâm sự, bản thân chị là hội viên Hội Phụ nữ của thôn nên thường xuyên được tập huấn về BĐG. Theo đó, chị cũng hiểu việc chồng say rượu đánh đập mình là vi phạm pháp luật và bất BĐG.
Nhưng do lo sợ mất hạnh phúc gia đình và hàng xóm chê cười, nên chị đành cắn răng chịu đựng. Nhiều lần, các đoàn công tác tới thu thập thông tin, lắng nghe chia sẻ chị cũng không dám nói với ai về việc mình bị bạo hành.
Buồn hơn là câu chuyện của chị Giàng Thị S., dân tộc Mông, ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Chị S. thật thà cho biết, trước đây có một đoàn công tác đến chia sẻ về BĐG, trong đó có việc quản lý tài chính trong gia đình. Theo đó, chị được biết mình có quyền yêu cầu chồng đưa tiền để quản lý. Chị đã làm theo nhưng kết quả lại phản tác dụng. Không những chồng chị không đưa tiền mà còn đánh đập chị và đòi ly hôn. Sau lần đó, chị buộc phải đồng ý không tham gia các chương trình của Hội Phụ nữ, chồng chị mới để yên chuyện.
Theo kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội (KT-XH) 53 DTTS năm 2019, thì hiện nay, vùng DTTS có 6,66 triệu người là nữ giới, chiếm 49,8%. Kết quả của cuộc điều tra cũng cho thấy, khoảng cách giới trong các nhóm DTTS và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh còn lớn và tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực KT-XH.
Theo nghiên cứu này, bạo lực tinh thần đối với phụ nữ DTTS do chồng gây ra là 48,8%, cao gấp 1,7 lần so với tỷ lệ chung của cả nước. Hiện có 25 dân tộc có phụ nữ sinh con tại nhà, chiếm tới 50%. Thậm chí có dân tộc đến 90% phụ nữ sinh con tại nhà. Tỷ lệ tử vong bà mẹ ở một số nhóm DTTS (Mông, Thái, Ba Na, Tày, Dao, Nùng) cao gấp 4 lần so với phụ nữ Kinh, Hoa. Hiện, phụ nữ DTTS đứng tên sở hữu đất đai và tài sản chỉ chiếm 26% (trong khi phụ nữ Kinh là 56%).
Cần tăng cường lồng ghép giới
Đánh giá về vấn đề BĐG trong vùng DTTS, Tiến sĩ Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, qua các con số thống kê cho thấy, phụ nữ DTTS là nhóm có nhiều nguy cơ tụt hậu hơn cả, do tính dễ bị tổn thương “kép” với đặc thù vừa là phụ nữ, vừa là người DTTS.
Nhằm hiện thực hóa vấn đề BĐG trong thực tế, theo bà Hòa, tới đây Việt Nam cần tăng cường lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (MTQG). Theo đó, các cấp ngành cần quán triệt tư tưởng, BĐG là nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.
Bà Hòa nhấn mạnh, việc bảo đảm cơ hội để phụ nữ DTTS tiếp cận và tham gia, hưởng lợi từ Chương trình MTQG cần phải được xác lập từ khâu thiết kế, xây dựng, đến thực thi và giám sát, đánh giá Chương trình. Đây chính là điều kiện quan trọng để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Việc bảo đảm cơ hội để phụ nữ DTTS tiếp cận và tham gia, hưởng lợi từ Chương trình MTQG cần phải được xác lập từ khâu thiết kế, xây dựng, đến thực thi và giám sát, đánh giá Chương trình. Đây chính là điều kiện quan trọng để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển”.
Tiến sĩ Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam