Bạo lực giới là vấn đề như “tảng băng chìm” diễn ra âm ỉ thường ngày trong xã hội; đó không chỉ của riêng nhóm DTTS mà của nhiều nhóm và tầng lớp khác nhau trong xã hội. Khảo sát của CARE với 329 nữ giới và 101 nam giới tại 4 xã vùng Dự án cho thấy: Trong 12 tháng (từ tháng 7/2018 trở về trước), có tới hơn 3/4 phụ nữ từng chịu ít nhất 1 dạng bạo lực (chiếm 77,5%). Số người từng bị bạo lực tinh thần lần lượt là 66,6%; 35% và 32% tương ứng với các hành vi chửi mắng, đe dọa và kiểm soát đi lại.
Bà Lê Kim Dung, Giám đốc CARE quốc tế tại Việt Nam cho biết: Dự án triển khai từ năm 2018, đến nay đã thu được những kết quả quan trọng. 92% phụ nữ và 85% nam giới người DTTS tại các địa bàn của Dự án đã nhận diện được 4 hình thức bạo lực và phản đối mọi hình thức bạo lực; các cơ sở dữ liệu về tình trạng bạo lực tại cấp thôn bản và cấp xã đang được hoàn thiện. Riêng trong năm 2019, theo thống kê, 42 phụ nữ bị bạo lực đã được phát hiện và hỗ trợ kịp thời. Hầu hết các trường hợp ghi nhận có dạng bạo lực kép, trong đó bạo lực tinh thần và thể chất phổ biến nhất, lần lượt chiếm 50,8% và 33,3%.
Chị Quàng Thị Sam - hạt nhân thay đổi của Dự án, bản Công, xã Pá Khoang (TP. Ðiện Biên Phủ), chia sẻ: Các chị em trong bản chủ yếu bị bạo lực dạng tinh thần và thể chất. Có trường hợp chỉ vì ghen tuông vô cớ, cấm đoán không cho vợ dùng điện thoại, thường xuyên kiểm tra điện thoại của vợ… dẫn đến “động tay động chân” với vợ. Qua tuyên truyền vận động hầu hết các trường hợp đều đã nhận thức được hành vi sai trái, hiểu và cam kết không tái phạm.
Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Dự án kỳ vọng tạo sự hiểu biết và đồng thuận từ các bên liên quan về vấn đề bạo lực giới, tầm quan trọng của ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới tại địa phương; nâng cao cao hiểu biết của cộng đồng và chính quyền địa phương về bạo lực giới; vận động chính sách dựa trên bằng chứng về thực trạng bạo lực giới có sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm giảm thiểu hiện trạng bạo lực giới trong nhóm DTTS.