Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bát Xát (Lào Cai): Người dân gặp khó vì chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Trọng Bảo - 15:41, 29/05/2020

Từ năm 2006, hàng chục hộ ở thị trấn Bát Xát, đã được UBND huyện Bát Xát (Lào Cai) đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Hiệu quả của việc chuyển đổi đã được chứng minh, nhưng mô hình này đang có nguy cơ tắc nghẽn vì còn thiếu tính pháp lý.

Mỗi năm gia đình ông Chiến thu nhập khoảng 40 triệu đồng từ ương, nuôi, bán cá giống
Mỗi năm gia đình ông Chiến thu nhập khoảng 40 triệu đồng từ ương, nuôi, bán cá giống

Gia đình ông Đào Văn Chiến, ở tổ 1, thị trấn Bát Xát có hơn 2.000m2 đất ruộng, nếu trồng lúa 2 vụ, thì mỗi năm ông cũng chỉ thu được gần 3 tấn lúa. Hơn nữa, diện tích đất này ngoài độ chua cao còn là đầm lầy sụt lún, khi thu hoạch rất tốn công sức. 

Từ năm 2006, thực hiện chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản theo Công văn số 63/QĐ-UBND, ngày 3/3/2006 của UBND huyện Bát Xát, ông Chiến đã chuyển toàn bộ diện tích đất ruộng này sang đào ao, nuôi cá giống. Chuyển sang mô hình kinh tế này, theo ông Chiến là nhàn hơn làm ruộng, thu nhập lại cao hơn. “Bình quân mỗi năm từ bán cá giống, trừ chi phí gia đình tôi thu về khoảng 40 triệu đồng. Nhờ đó mà đời sống được cải thiện”, ông Chiến cho biết.

Cũng như ông Chiến, các gia đình thực hiện chuyển sang nuôi trồng thủy sản ở thị trấn Bát Xát đều có thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Nhưng hiện nay, mô hình này đang có nguy cơ tắc nghẽn. Nguyên nhân là nhiều gia đình chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất nông nghiệp sang đất nuôi trồng thủy sản).

Như trường hợp ông Chiến, toàn bộ diện tích ao nuôi cá của gia đình ông, vẫn là đất nông nghiệp. Ngoài ra, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) nông nghiệp cấp cho gia đình ông đã hết hạn vào năm 2019. Việc ông Chiến “bình chân như vại”, là do gia đình ông chủ động được vốn sản xuất, chưa phải giao dịch gì liên quan đến giấy CNQSDĐ (vay vốn ngân hàng). Nhưng việc chủ động được vốn như gia đình ông Chiến là không nhiều. Hầu hết, các hộ chuyển đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản ở thị trấn Bát Xát đều có nhu cầu dùng giấy CNQSDĐ để vay vốn ngân hàng. 

Gia đình ông Đào Văn Thắng cùng ở tổ 1, thị trấn Bát Xát hiện vẫn nuôi cá trên diện tích hơn 1.600m2 đất ruộng chuyển đổi từ năm 2006. Nhưng ông Thắng luôn thấp thỏm bởi toàn bộ diện tích đất này đã hết hạn sử dụng ghi trên giấy CNQSDĐ mà chưa được gia hạn. “Bây giờ có muốn đi vay vốn ngân hàng cũng không được vì giấy CNQSDĐ đã hết hạn”, ông Thắng cho hay. 

 Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND thị trấn Bát Xát cho biết, năm 2006, khi thực hiện chủ trương của huyện, thị trấn đã triển khai dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện cho bà con có đủ diện tích đào ao, thả cá. Nhiều hộ dân đã thỏa thuận và đổi đất với những hộ khác trong cùng khu vực, nhưng lại không thông qua chính quyền địa phương để chỉnh lý các biến động về đất đai. Điều này khiến hiện nay có thực trạng, ao của hộ này lại nằm trong giấy CNQSDĐ của hộ khác. 

 “Toàn thị trấn hiện có 39 hộ đang có những vướng mắc như thế, với tổng diện tích hơn 61.000m2. Thị trấn đã báo cáo và kiến nghị UBND huyện cho phép, thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất; gia hạn thời gian sử dụng đất đối với những hộ có đất đã chuyển đổi từ lúa sang nuôi trồng thủy sản hiện trạng là đất ao, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Thị trấn khuyến khích các hộ trước đây đã đổi đất để đào ao thực hiện hoàn tất việc mua bán, chuyển nhượng và chỉnh lý biến động về đất đai”, ông Lực thông tin thêm.