Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xử lý hành vi vi phạm về quản lý sử dụng đất đai: Còn nhiều bất cập

PV - 10:23, 15/03/2018

Thời gian qua, tình hình vi phạm về quản lý sử dụng đất đai (tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất; tự ý mua bán, chuyển nhượng trái phép…) có chiều hướng gia tăng. Mặc dù, Chính phủ đã có quy định về xử phạt hành chính đối với những hành vi này nhưng do còn nhiều bất cập nên chính quyền các địa phương rất lúng túng khi thực hiện.

Rừng bị người dân lấn chiếm trồng ngô, sắn ở huyện Ea H’leo, Đăk Lăk. Rừng bị người dân lấn chiếm trồng ngô, sắn ở huyện Ea H’leo, Đăk Lăk.

 

Vân Canh là huyện miền núi có diện tích trồng rừng sản xuất (chủ yếu keo, bạch đàn) thuộc diện lớn nhất tỉnh Bình Định, với khoảng 7.000ha. Trong những năm gần đây, nhờ đầu tư thâm canh nên năng suất rừng trồng tăng cao, đạt bình quân 100 tấn/ha, cá biệt có diện tích đạt 120-140 tấn/ha. Với giá keo, bạch đàn đạt từ 1-1,35 triệu đồng/tấn, người trồng rừng sản xuất ở Vân Canh làm ăn khấm khá.

Trồng rừng mang lại lợi ích cao là vậy, nên ngoài trồng trên đất lâm nghiệp được quy hoạch, rất nhiều người dân còn lấn sang trồng trên đất nông nghiệp vốn được quy hoạch để trồng cây màu hằng năm. Thậm chí, rừng trồng trên cả đất lúa.

Trong năm 2017, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về kiểm tra làm rõ việc sử dụng diện tích đất rừng đã thu hồi của Tổng Công ty Sản xuất đầu tư dịch vụ xuất khẩu Bình Định tại huyện Vân Canh, Thanh tra tỉnh Bình Định đã phát hiện và làm rõ nhiều sai phạm.

Theo đó, tại xã Canh Vinh, dù không được UBND huyện chấp thuận nhưng chính quyền xã đã tổ chức đấu giá, giao đất sản xuất cho 5 hộ trúng đấu giá. Sau khi trúng đấu giá, các hộ này chuyển toàn bộ 10,4ha đất nông nghiệp sang trồng cây keo.

Việc tự ý chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang trồng rừng không chỉ diễn ra ở Vân Canh mà còn là tình trạng chung ở rất nhiều địa phương trên cả nước. Mặc dù, vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng căn cứ vào số liệu diện tích lúa hằng năm của ngành Nông nghiệp cũng có thể thấy rõ điều này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích lúa cả năm 2017 ước đạt 7,72 triệu ha. Trước đó, năm 2016, tổng diện tích lúa cả nước đạt 7,8 triệu ha, giảm 40 nghìn ha so với năm 2015. Việc giảm diện tích lúa hằng năm ngoài yếu tố chuyển đổi một số vùng trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác thì còn do người dân tự ý chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang trồng rừng.

Cùng với hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định thì hiện nay, tình trạng mua bán, chuyển nhượng “chui” và sử dụng trái mục đích đất lâm nghiệp, đất rừng diễn ra hết sức nghiêm trọng.

Có thể kể đến vụ việc tại một số doanh nghiệp đã thực hiện “gom” đất rừng ở các địa phương miền núi của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua làm dẫn chứng. Hàng nghìn ha đất rừng ở các huyện Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong,… đã được Nhà nước giao cho người dân sản xuất theo Nghị định 163 từ năm 2003 đã bị mua bán, chuyển nhượng trái phép. Theo thống kê của UBND tỉnh Nghệ An, từ năm 2011-2016, toàn tỉnh có 5.542ha đất rừng bị mua bán, chuyển nhượng trái phép.

Để xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, ngày 10/11/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định những chế tài cụ thể. Sau hơn 3 năm thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 79 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 142 tổ chức quản lý, sử dụng đất tại các địa phương. Việc thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân chủ yếu thực hiện ở các địa phương theo các cấp tỉnh, huyện, xã.

Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Nghị định 102 còn nhiều khó khăn, vướng mắc, mà nguyên nhân là do còn bỏ ngỏ nhiều hành vi vi phạm. Như Nghệ An, đại diện Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho rằng, Nghị định 102 chưa quy định đầy đủ các trường hợp lấn chiếm đất theo mục đích sử dụng đã được quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013.

Đáng chú ý, Nghị định 102 có quy định một số hành vi lấn, chiếm đất thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã. Tuy nhiên, về biện pháp khắc phục hậu quả thì Chủ tịch UBND các xã chỉ có thẩm quyền “buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm” mà không có thẩm quyền “buộc trả lại đất đã lấn chiếm”. Do đó, hành vi vi phạm này không được xử lý triệt để, hoặc đã có tình trạng các UBND cấp xã đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý mà đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xử lý.

Khoản 2 Điều 208 Luật Đất đai năm 2013 quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Nhưng Nghị định 102 lại thiếu quy định cụ thể về từng trường hợp, cũng như phạm vi, thẩm quyền dẫn đến khó khăn trong việc xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm.

KHÁNH THƯ

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.